|
Những nông sản áp dụng quy trình VietGAP được trưng bày và bán ngay tại hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đây là khẳng định của ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tại hội thảo Sản xuất cây trồng an toàn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội.
Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, địa phương được thực hiện thí điểm mô hình do JICA tài trợ, cho rằng, triển khai GAP cơ bản đã làm thay đổi phần nào nhận thức của nông dân, thay đổi những thói quen trong sản xuất hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững.
Qua quá trình triển khai, dự án đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý có thể trực tiếp hướng dẫn nông dân trong mô hình. Việc ứng dụng sản xuất cây trồng an toàn theo GAP cơ bản với 26 điểm kiểm soát được đánh giá là thuận lợi hơn cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nông dân trong việc đánh giá so với thực hiện các GAP khác.
Đặc biệt, các sản phẩm sản xuất ra tại mô hình được đánh giá là an toàn, mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà do giảm được thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, năng suất cây trồng vẫn cao, ổn định.
Tuy nhiên, cũng theo bà Đoàn Thị Chải, trong quá trình triển khai vẫn còn khó khăn nhất định. Cụ thể, do sản phẩm chưa được tiêu thụ cho những khách hàng có đòi hỏi cao hơn về hồ sơ nguồn gốc chất lượng, nên đôi khi người dân vẫn áp dụng theo thói quen cũ trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân vẫn chưa tạo được sự khác biệt rõ về sản phẩm, vì vẫn thường tiêu thụ sản phẩm theo kênh bán hàng truyền thống, khách hàng không yêu cầu hồ sơ sản phẩm.
Còn theo ông Trần Xuân Định, trong thời gian tới cần tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho cả người sản xuất và tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, điều quan trọng là cần quy hoạch và rà soát lại quy hoạch sản xuất rau an toàn cấp quốc gia và ở các địa phương. Từ đó, phổ biến GAP với các cấp độ khác nhau, và có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các ứng dụng GAP cơ bản.
Ứng dụng GAP cơ bản được JICA đề xuất với mục đích nâng cao tỷ trọng sản phẩm rau an toàn cho chính người tiêu dùng Việt Nam ở thị trường nội địa. GAP cơ bản chắt lọc những tiêu chí quan trọng, cơ bản nhất của VietGAP, song vẫn đảm bảo rằng sản phẩm làm ra nếu tuân thủ các trình tự hướng dẫn này trong quá trình thực hành thì sẽ có sản phẩm an toàn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Yếu tố vệ sinh ATTP được chú ý hàng đầu trong sản xuất nông sản ở Việt Nam. Việt Nam đã có quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP được Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành từ năm 2008.
Tuy nhiên, do VietGAP khá phức tạp và nhiều tiêu chí kiểm soát, và cũng khó khả thi do tập quán, do hạn chế về nhận thức của người dân. Vì vậy, trong sản xuất rau, tỷ lệ áp dụng VietGAP còn rất thấp, chỉ đạt gần 2.000 ha/830.000ha rau hằng năm.
Ông Doanh cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh của mình, Việt Nam cần tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng cần đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Có như vậy, Việt Nam mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường, nhất là các thị trường khó tính.
Nguồn: Chinhphu.vn
Bình luận