Kiểm soát sử dụng thuốc BVTV giúp tăng chất lượng rau quả xuất khẩu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, thường chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tuy vậy, vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là nguy cơ rất lớn cho sự tăng trưởng trong xuất khẩu rau quả hiện nay.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam (chủ yếu là rau quả tươi).
Ông Hồng cũng nhận định, các vấn đề vệ sinh và vệ sinh dịch tễ ngày càng được coi trọng và được sử dụng như một công cụ bảo hộ nền nông nghiệp của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của người tiêu dùng tại các nước có thu nhập trung bình và thu nhập cao cũng rất khắt khe .
Các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... là các nước nhập khẩu lớn đối với hàng rau quả của Việt Nam, dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả tại các nước này tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đây cũng là các thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị “Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững” do Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức vào chiều 14/5, các đại biểu đã nhất trí quan điểm: Để đáp ứng nhu cầu rau quả ngày càng gia tăng tại thị trường trong nước và nước ngoài, cần có các giải pháp tổng thể tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản theo hướng hiện đại.
Cụ thể, cần ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến, hiện đại trong điều kiện của Việt Nam, hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đồng thời, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả, như sấy chân không, nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo hướng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp, chế biến tổng hợp...
Bên cạnh đó, song song với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi cũng cần được chú trọng.
Trong đó, ban hành các thông tư liên tịch làm rõ, phân công và cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Hợp nhất các văn bản dưới luật, xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng Luật và văn bản dưới luật. Huy động nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, nâng cao vai trò của các địa phương trong công tác theo dõi, quản lý sản xuất cả về quy hoạch và chất lượng cũng như cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp một cách kịp thời nhất.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn
Bình luận