40 năm - những trang vàng lịch sử ngành Y

Ngày đăng: 13/05/2015 - Lượt xem: 2052

Ban Dân Y Miền Nam, họ - những chiến sĩ áo trắng với những công tác âm thầm cứu chữa hàng ngàn, hàng chục ngàn thương bệnh binh, đồng bào vùng giải phóng, giúp bộ đội mau khỏe mạnh để tiếp tục chiến đấu.

Nơi đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, dọc biên giới Campuchia - Việt Nam hướng Tây Bắc Tây Ninh, giáp ranh với cửa khẩu Sa Mát, cách Sài Gòn gần 100km đường chim bay, cách nay 40 năm có một đơn vị rất đặc biệt: Ban Dân Y Miền Nam. Không phải ai cũng biết đến đơn vị đặc biệt ấy, nó đã tồn tại suốt mười mấy năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần không nhỏ cho công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước năm nào.

Họ - những chiến sĩ áo trắng với những công tác âm thầm cứu chữa hàng ngàn, hàng chục ngàn thương bệnh binh, đồng bào vùng giải phóng, giúp bộ đội mau khỏe mạnh để tiếp tục chiến đấu. Cũng chính họ, trong những ngày đầu giải phóng đã tiếp quản tất cả các bênh viện, viện, cơ sở y tế trên toàn miền Nam và đây là một công tác không đơn giản chút nào.

- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói lời tri ân trong lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) do CLB truyền thống Ban dân y miền Nam tổ chức ngay tại khu di tích Chàng Riệc - Tân Biên, Tây Ninh, sáng ngày 25/4/2015.

Từ những trang lịch sử hào hùng

Lần giở lại những trang lịch sử về Ban Dân Y miền Nam, mới thấy công lao của bao lớp người đi trước thật vĩ đại… Ngược dòng thời gian về những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi ấy phong trào đấu tranh quân sự và chính trị chống chế độ khủng bố, đàn áp, hành quân chiếm đóng đang lên cao… Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW luôn quan tâm và lo lắng cho tình hình y tế miền Nam. Ngay từ năm 1959, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã ra chỉ thị: “Phải tìm những cán bộ miền Nam tập kết, có nhiệt tình, trung thành, chịu khó, biết ứng phó trong mọi tình huống, không sợ hy sinh, để đào tạo kiến thức chuyên môn đa khoa, về miền Nam làm hạt giống nhân rộng, nhằm phát triển mạng lưới y tế, đáp ứng nhu cầu phục vụ sức khỏe cho đồng bào vùng giải phóng và phục vụ chiến đấu, kể cả đấu tranh chính trị ở miền Nam…”. Và khoảng đầu năm 1961, đoàn cán bộ y tế đầu tiên được TW cử vào Nam gồm có 20 người, trong đó có bác sĩ Nguyễn Thành Văn, về báo cáo với Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Võ Chí Công, lúc đó là phó Bí thư Trung ương cục chỉ đạo: “Cần có tổ chức Y tế để triển khai việc tổ chức chữa bệnh cho cán bộ vùng căn cứ, đồng bào khu giải phóng và phục vụ thương bệnh binh”. Ngay sau đó, Ban y tế Chính Nam được thành lập, sau đổi thành Ban Quân Dân y Trung ương Cục.

Năm 1963, TW chi viện tiếp thêm một đoàn cán bộ y tế với số lượng đông hơn, trong đó có bác sĩ Đoàn Thúy Ba -  nữ cán bộ y tế đầu tiên vượt Trường Sơn đi “B” về với Nam bộ. Với số lượng cán bộ dồi dào, tổ chức Ban Quân Dân y bắt đầu phát triển với nhiều cơ quan. Lúc bấy giờ bác sĩ Nguyễn Thành Văn phụ trách văn phòng Ban Quân Dân y Trung ương Cục miền Nam. Vào quý 2 năm 1964, TW chi viện tiếp một đoàn cán bộ y tế cho chiến trường miền Nam, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Thủ (Bảy Chi) - nguyên Phó giám đốc Y tế Nam bộ thời chống Pháp. Trước khi đoàn lên đường, Bác trực tiếp căn dặn: “Về Nam phải làm gì? Lo cho dân ra sao để có thể chiến đấu lâu dài và phải trường kỳ bồi dưỡng sức dân…”. Bác luôn nghĩ đến việc chăm lo cho sức khỏe cho bộ đội, cho dân vậy đấy…  Cùng đi với bác sĩ Nguyễn Văn Thủ còn có bác sĩ Hồ Văn Huê, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Xã hội, GS.BS. Nguyễn Thiện Thành, GS.BS. Trương Công Trung… và còn rất nhiều dược sĩ, bác sĩ giỏi khác.

Chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ Ngụy ngày càng khốc liệt, việc chăm sóc thương bệnh binh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, năm 1964, Trung ương Cục quyết định chính thức thành lập Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam, gọi tắt là Ban Dân Y miền Nam “R”, do bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm trưởng ban. Cũng do tính chất bí mật, từng thời kỳ, Ban Dân Y miền Nam cũng có nhiều bí số khác nhau như : C451, D112, D413, BS67… Kể sao cho hết những chiến công thầm lặng của người chiến sĩ áo trắng đã không tiếc máu xương, chăm sóc và phục vụ thương bệnh binh qua những trận pháo kích, những trận càn, ném bom rải thảm, các thầy thuốc phải che cho thương binh. Đó là cái tâm vĩ đại của những lương y vì đồng đội, vì thương binh, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến tranh ấy, rất nhiều những người con ưu tú của tổ quốc đã ngã xuống, đem xương máu nhuộm thắm cờ chiến công. Những tên tuổi ấy đã được tổ quốc ghi công vào trang sử rạng danh của đất nước: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh, bác sĩ Thanh Ba… Để hôm nay, lớp người đi sau nghiêng mình kính cẩn vọng nhớ, tri ân công ơn to lớn của họ- những con người vĩ đại.

Đến sự ra đời CLB truyền thống Ban Dân Y miền Nam

                               

  - Giao lưu 3 thế hệ tại khu di tích Chàng Riệc

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những chứng tích chiến tranh vẫn còn đó, những con người, nhân chứng sống của lịch sử vẫn còn đó… luôn canh cánh, bứt rứt trong lòng với suy nghĩ, cần phải làm một điều gì đó để tri ân lớp người đi trước. Chính vì lẽ đó, tất cả các cán bộ Ban Dân Y miền Nam cũng như cán bộ ngành y tế nói chung thống nhất đề đạt với cấp chính quyền, xin phép cho Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân Y miền Nam được ra đời. Nguyện vọng chính đáng này đã được Sở Y tế, Sở Nội vụ và lãnh đạo UBND TP.HCM chấp thuận. Ngày 5/5/2008, Sở Y tế có quyết định số: 458/QĐ- SYT về việc công nhận Ban vận động thành lập Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân Y miền Nam và ngày 27/11/2008, UBND TP.HCM ra quyết định số 5143/QĐ- UBND cho phép thành lập Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân Y miền Nam. Không thể không nhắc đến công lao to lớn của PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc thành lập ra CLB này và bà cũng là người giữ cương vị chủ nhiệm CLB từ lúc thành lập cho đến tận hôm nay.

7 năm trôi qua, với biết bao công sức cũng như sự vận động, giúp đỡ nghĩa tình của các cấp, các ngành, CLB Ban Dân Y miền Nam đã xây dựng được khu nhà lưu niệm Truyền thống Dân Y miền Nam, hội trường CLB truyền thống tại khu rừng Chàng Riệc - Tân Lập - Tân Biên - Tây Ninh, trên nền của Bệnh viện Liên Cơ - C6 cũ và Nhà bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Dân Y miền Nam trên đồi 82. Đây là những nỗ lực hết sức của các thành viên CLB, góp phần làm phong phú thêm giá trị lịch sử của ngành Y tế, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nối tiếp sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân theo lời Bác dạy. Đây còn là điểm hẹn để hội viên CLB gặp gỡ, trao đổi, hỏi thăm, động viên nhau, giúp đỡ nhau khi cần lúc khó khăn, đau ốm…

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), trong hai ngày 24, 25/4, rất đông những cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác tại Ban Dân Y miền Nam lại quay về đây, gặp nhau với những kỷ niệm bùi ngùi. Không thiếu những giọt nước mắt, những nụ cười hạnh phúc, và những câu chuyện tưởng như không dứt làm sáng bừng một khoảng rừng vốn yên tĩnh của chiến khu xưa, tô đẹp bức tranh lịch sử ngành Y Việt Nam.

Phát biểu trong buổi lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) do CLB truyền thống Ban dân y miền Nam tổ chức ngay tại khu di tích Chàng Riệc - Tân Biên, Tây Ninh, sáng ngày 25/4/2015, PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng:

Trước mắt, CLB Ban Dân Y miền Nam có hai việc cần làm ngay: một là nhanh chóng làm các thủ tục để Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho các cá nhân và tập thể đã cống hiến trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước vừa qua. Hai là nên đề nghị đưa những cuốn sách viết về lịch sử của Ban Dân Y miền Nam về các trường đào tạo, đưa vào các chương trình để giáo dục cho lớp y, bác sĩ kế tục hiểu rõ thêm về truyền thống của ngành.

Những đề nghị này được đông đảo đại biểu tham dự hoàn toàn ủng hộ.

Theo: Suckhoedoisong.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top