Đầu tư cho y tế cơ sở- việc làm nhân văn

Ngày đăng: 24/03/2015 - Lượt xem: 1961

“Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng caosức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo”

đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân diễn ra tại TP Huế từ ngày 24-25/3.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam  phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
 

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành, các địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và hội nghề nghiệp; đại diện các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam....

Y tế cơ sở: nền tảng đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, y tế cơ sở (YTCS) là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế Việt Nam. Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế tuyến huyện và tuyến xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ Y tế, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đầu đến YTCS vì vậy mạng lưới YTCS đã được hình thành và phát triển đến tận thôn, bản với đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Đến nay, đội ngũ cán bộ YTCS còn bao gồm cả cô đỡ thôn bản và cộng tác viên y tế. Năm 1954, mạng lưới y tế cơ sở miền bắc chỉ có 2.000 trạm y tế trên tổng số 6.000 xã với 258 y, bác sỹ; 78 dược sỹ đại học và trung học; 5.000 y tá và 1.800 nữ hộ sinh; 30.000 vệ sinh viên thôn xóm. Đến nay, chúng ta đã có gần 11.000 trạm y tế xã với hàng trăm ngàn cán bộ y tế công tác.

Hệ thống y tế của Việt Nam đặc biệt là YTCS đã được các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá cao. Nhờ hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế như: tuổi thọ trung bình, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tủ vong trẻ em dưới 5 tuổi. Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia được quốc tế đánh giá có tốc độ giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh nhanh nhất.Mặt khác, hoạt động khám chữa bệnh chiếm tới 70% tổng số khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng, ông Takeshi Kasai – Giám đốc quản lý chương trình Văn phòng Tổ chức y tế thế giới Khu vực Tây Á Thái Bình Dương, chia sẻ ông đã từng gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều cán bộ YTCS của Việt Nam và ông nhận thấy đây là đội ngũ góp phần quan trọng trong việc giúp người dân sống ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khá tốt. “Người dân Việt Nam là một trong những cộng đồng dân số có sức khỏe tốt nhất trong khu vực”- ông Takeshi Kasai cho biết.

Những tồn tại hiện hữu

Mặc dù đánh giá cao vai trò của YTCS, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn cho rằng, hiện tại vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở đó là mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng nhanh chóng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích, đan xen với bệnh nhiễm trùng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; vấn đề kiểm soát yếu tố nguy ảnh hưởng đến sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn trong khi khả năng đáp ứng về dịch vụ y tế còn hạn chế, đặc biệt là ở YTCS.

Bên cạnh đó, thực trạng chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng ngày càng cao. Tình trạng sức khoẻ của nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa tuy đã có cải thiện, nhưng tiến bộ chậm hơn so với mức chung của cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực YTCS nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân; việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở còn gặp khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. “Nhận thức của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương về YTCS, chăm sóc sức khỏe ban đầu và sự tham gia của các ban ngành đoàn thể địa phương trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ở một số địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư nâng cao năng lực cho YTCS”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.

Vì vậy các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho việc xây dựng y tế cơ sở về các mặt: nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ nhằm đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Với góc nhìn cuả chuyên gia đã gắn bó với ngành y tế Việt Nam, ông Takeshi Kasai cũng chỉ rõ thực trạng hiện tại, các cơ sở y tế ở tuyến cơ sở của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Do đó, việc đổi mới, tăng cường YTCS cần tập trung vào vùng sâu, vùng xa để đảm bảo không có người dân nào bị bỏ sót về chăm sóc y tế. Ngoài ra, việc đổi mới YTCS cũng phải lưu ý đến y tế dự phòng, theo hướng cần thay đổi việc cung cấp dịch vụ y tế tại các trạm y tế dựa trên nhu cầu của người dân thay bằng việc cung cấp quá nhiều dịch vụ. “Đổi mới mạng lưới y tế cơ sở không phải là một quá trình tách biệt mà cần phải đi cùng với việc thiết kế toàn bộ hệ thống y tế cơ sở và Tổ chức Y tế thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ cho lĩnh vực này tại Việt Nam”- ông Kasai nêu rõ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu cho rằng, những kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân rất đáng ấn tượng. Bày tỏ chia sẻ về những quan ngại của ngành y tế Việt Nam với gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm, dịch bệnh mới nổi và hiếm gặp rồi chỉ số chăm sóc sức khỏe chênh lệch vùng miền… ông Franz Jessen đưa ra thông tin EU đã và sẽ luôn quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các mục tiêu phát triển y tế.

“Cái gì có lợi cho nhân dân trong chăm sóc sức khỏe thì chúng ta cố làm”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Y tế lần đầu tiên phối hợp với các tổ chức quốc tế WHO, Eropean Union, The World Bank đã tổ chức Hội nghị về tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Phó Thủ tướng cho rằng, ngành y tế Việt Nam mặc dù vẫn còn nhiều điều để cố gắng hơn nữa, tuy nhiên so với các nước có cùng chung mức thu nhập, ngành y tế Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Không chỉ về mạng lưới bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân mà ở nhiều lĩnh vực nhiều chuyên gia của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Công tác y tế dự phòng có nhiều bước tiến, không phải bây giờ mà ngay từ thời cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã triển khi phong trào “3 sạch”, rồi chúng ta đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm... cho thấy công tác y tế dự phòng ở Việt Nam đã có những thành công trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế nói chung, y tế cơ sở nói riêng của Việt Nam vẫn còn có những tồn tại, bất cập. Việc đổi mới YTCS ở Việt Nam, vấn đề chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến xã phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc xác định vị trí của YTCS và bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh tuyến cơ sở rất quan trọng, cần phải được chuẩn hóa và đánh giá công khai. Chúng ta phải coi bác sĩ dự phòng không khác gì bác sĩ kỹ thuật cao, do đó đào tạo phải sát với thực tiễn, đồng thời cũng không nên có suy nghĩ bác sĩ làm ở tuyến xã, tuyến cơ sở là bác sĩ “hạng 2” và tuyến xã có chất lượng kém hơn tuyến TW.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã có chế độ tốt cho bác sĩ vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo... nhưng tới đây cần phải có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho đội ngũ này. Để làm được những việc trên, phải tiến hành xem xét lại rất căn bản cơ chế tài chính và đầu tư cho y tế cơ sở trong cơ cấu đầu tư của toàn ngành y tế. Thế nhưng muốn làm được điều này, phải đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân. “Chúng ta không thể có hệ thống y tế tốt nếu chúng ta không có hệ thống BHYT toàn dân”- Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần tăng cường đầu tư cho YTCS, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế về ngân sách cần tránh đầu tư dàn trải. Làm được điều này không chỉ giảm tải BV mà còn làm cho người dân tin tưởng vào bác sỹ cơ sở, bởi đây là cán bộ y tế gần dân nhất.

Lắng nghe những khuyến nghị, đề nghị của các diễn giả, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng tôi sẽ xem xét, cái gì phù hợp để nghiên cứu trong khi xây dựng chính sách cho người dân. Trong quá trình đó có những khó khăn, tuy nhiên cái gì có lợi cho nhân dân trong chăm sóc sức khỏe thì chúng ta đều cố gắng làm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương bằng tấm lòng hết sức quan tâm đến sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là y tế cơ sở, bởi đây ko chỉ là giải pháp hữu nhất, tiết kiệm nhất mà là công vệc nhân văn nhất trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Box: Tại hội nghị “Tăng cường y tế cơ sơ cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, chúng tôi đã ghi lại ý kiến của các diễn giả về những vấn đề liên quan đến  y tế cơ sở (YTCS) của Việt Nam

Ông Thomas Palu, Giám đốc phụ trách Dân số - Dinh dưỡng và Dinh dưỡng toàn cầu khu vực Tây á - Thái Bình dương, Ngân hàng Thế giới: Cần chú trọng nâng cao nguồn nhân lực cho y tế cơ sở

Việt Nam là một trong 10 quốc gia đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ về y tế bình diện toàn cầu, tuy nhiên để phát huy những thành tựu đạt được cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tại Việt Nam việc cung cấp dịch vụ y tế đang đòi hỏi ngày càng toàn diện hơn. Để có một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện đại, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở làm cho mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân bền vững. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng nâng cao nguồn nhân lực y tế, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế, đồng thời với sự cam kết cao về mặt chính trị và nỗ lực của toàn hệ thống y tế sẽ đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Thứ trưởng Bộ y tế Phạm Lê Tuấn; Nâng cao vai trò của cộng đồng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân

Mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã và đang không ngừng được củng cố qua các thời kỳ và đảm bảo được khoảng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở. Hiện nay, tỷ lệ thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại TYT xã chiếm 41% và tại bệnh viện huyện chiếm 45% tổng số thẻ đăng ký KCB ban đầu. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, giải pháp để tăng cường y tế cơ sơ cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là cần có các chính sách ưu tiên đầu tư phù hợp cho YTCS; Công tác truyền thông vận động nhân dân hiểu và tham gia vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu; Có sự cam kết và hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển; Phát huy sự tham gia liên ngành và huy động cộng đồng tham gia vào công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu là một yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở Việt Nam...

GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương,Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - Dành nguồn tài chính đầu tư riêng cho y tế cơ sở

 YTCS là những đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản (gần 80% bệnh tật). Nếu các đơn vị YTCS phát triển và cung cấp được các dịch vụ có chất lượng cho dân thì  tạo ra sự tiết kiệm rất lớn cho dân trong chăm sóc sức khỏe. Do vậy, để xây dựng và phát triển YTCS chúng ta cần lưu ý những phương hướng như; Phải gắn kết việc hoàn thiện và củng cố YTCS với thực hiện nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu và đề cao chất lượng của YTCS; Đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của YTCS gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu từ cách nhìn theo phân cấp hành chính sang phân loại theo chức năng; Củng cố và phát triển mạng lưới YTCS với nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu phải theo nguyên tắc gần dân, bám sát dân; luôn nhấn mạnh đến sự quan tâm xây dựng cơ chế tài chính theo hướng có nguồn đầu tư riêng và ưu tiên đầu tư tài chính từ nguồn Nhà nước cho YTCS....

Nguồn: Ban Biên tập CTTĐT Bộ Y tế

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top