Dị ứng thực phẩm cần chú ý

Ngày đăng: 15/08/2024 - Lượt xem: 9

Dị ứng thực phẩm (dị ứng thức ăn) là tình trạng một hoặc một số loại thực phẩm nhất định gây đáp ứng miễn dịch bất thường.

Đó là do hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm một số protein có trong thực phẩm là tác nhân gây hại, từ đó khởi động hàng loạt cơ chế bảo vệ (bao gồm cả giải phóng những hóa chất như histamin) gây dị ứng.

Dị ứng thực phẩm xảy ra thế nào?

Dị ứng thực phẩm dễ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...).

Với những cơ thể dị ứng thực phẩm, chỉ cần tiếp xúc dù với lượng rất nhỏ loại thực phẩm gây dị ứng là đã đủ để xuất hiện những phản ứng dị ứng, có thể là nhẹ và thoáng qua nhưng đôi khi gây một tình trạng bệnh lý trầm trọng, thậm chí tử vong. Triệu chứng của dị ứng thực phẩm có thể là một hay nhiều biểu hiện như: nổi mẩn đỏ, ngứa ở da. Mẩn đỏ thường mất đi trong vài ngày. Một số trường hợp có thể tồn tại rất lâu được gọi là viêm da dị ứng. Ngứa mũi và mắt, hắt hơi và chảy nước mũi, có thể có các triệu chứng của hen suyễn như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở. Ngứa và sưng quanh môi và miệng, đặc biệt khi môi và miệng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Một số triệu chứng khác như: đau bụng, buồn nôn, đau kiểu chuột rút, phù nề, nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể xảy ra.

Phản ứng phản vệ nặng là biểu hiện trầm trọng nhất của dị ứng thực phẩm và có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của phản vệ thường gặp là ngứa vùng hầu họng, phù mạch (chẳng hạn phù thanh quản), cò cử, khó phát âm, ho, khó thở, khò khè, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, bừng mặt, mẩn ngứa. Tử vong có thể xảy ra là do một hoặc phối hợp nhiều biến cố: phù thanh quản trầm trọng, co thắt phế quản không hồi phục, hạ huyết áp khó hồi phục.

Các yếu tố nguy cơ của phản ứng phản vệ đe dọa tử vong do thức ăn bao gồm: bệnh nhân đã mắc bệnh hen suyễn, đặc biệt là những bệnh nhân bị hen suyễn nhưng không được kiểm soát tốt; trước đây đã bị phản ứng phản vệ do thực phẩm; không phát hiện được những triệu chứng sớm của phản vệ; chậm hoặc không dùng những thuốc cấp cứu để điều trị những trường hợp dị ứng thực phẩm.

Thời gian xảy ra dị ứng có thể trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Một số trường hợp nhạy cảm, chỉ cần chạm vào hoặc hít phải thực phẩm dị ứng là có thể xảy ra triệu chứng. Nhưng cũng có trường hợp phản ứng chậm, xảy ra sau vài ngày với những biểu hiện không rõ ràng như bứt rứt, khó chịu, mẩn ngứa, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng và phân lẫn máu. Cần theo dõi để phân biệt với những bệnh lý khác.

Những thực phẩm dễ gây dị ứng

Có thể nói, tất cả thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm (90% nguyên nhân). Ở trẻ em, thường dị ứng với trứng, sữa (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), đậu phộng, đậu nành (đỗ tương), lúa mì, quả óc chó... Ở người lớn, thực phẩm dễ gây dị ứng là: Cá (đặc biệt là cá biển như cá nóc chẳng hạn) và các loại đồ biển như tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng (lạc), quả óc chó (tương tự hạt dẻ), trứng.

Dị ứng chéo xảy ra ở các thực phẩm có thành phần giống nhau. Như sữa, nếu đã dị ứng với sữa bò thì cũng có thể dị ứng với sữa dê, cừu, trâu, thịt bò. Nếu đã dị ứng với trứng gà thì cũng có thể dị ứng cả thịt gà, các loại bánh có sử dụng trứng... Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng: di truyền (nếu cha/mẹ bị dị ứng thì 20-30% con cũng có khả năng bị dị ứng, nếu cả cha cùng mẹ bị dị ứng thì tỷ lệ này đến 50-60%), một số điều kiện kết hợp như đang nhiễm virus, tổn thương niêm mạc ruột...

Dự phòng dị ứng thực phẩm

Dự phòng dị ứng thực phẩm là rất quan trọng bởi vì nếu xảy ra dị ứng thực phẩm nặng như phản ứng phản vệ thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém..., có thể để lại hậu quả lâu dài. Các biện pháp dự phòng gồm: Cần có hiểu biết về thực phẩm gây dị ứng và biểu hiện của dị ứng thực phẩm. Tránh sử dụng những thực phẩm và các sản phẩm có nguyên liệu làm từ thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng, kể cả tránh tiếp xúc qua da hay hít chúng. Nhận biết các triệu chứng sớm của phản ứng dị ứng. Ghi nhớ các triệu chứng biểu hiện lâm sàng thường gặp ở dị ứng thực phẩm trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Khi phản ứng dị ứng thực phẩm xảy ra nhanh và có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với trẻ em - đối tượng dễ bị dị ứng thực phẩm thì cần chú ý. Đối với những trẻ mới sinh những ngày đầu thì vật lạ, kháng nguyên lạ là sữa, thức ăn. Đối với những trẻ bú sữa mẹ thì không phải kháng nguyên lạ, chỉ những trẻ bú sữa bò, sữa công thức thì mới xem là kháng nguyên lạ. Do đó, nguyên tắc giảm dị ứng cho trẻ đầu tiên là việc dung nạp đường miệng: chậm tiếp xúc với dị nguyên trong vài tháng đầu đời. Giai đoạn này, hầu hết dị nguyên từ công thức dinh dưỡng sữa bò. Trẻ bú sữa công thức dinh dưỡng sẽ nhận nhiều kháng nguyên lạ gấp 106 lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn. Đối với những trẻ nguy cơ cao, bao gồm những trẻ không được bú mẹ, nên được cho uống sữa thủy phân đến 4 tháng tuổi. Sữa công thức thủy phân một phần được ưa chọn hơn là sữa công thức thủy phân tích cực (hoàn toàn). Bà mẹ cho con bú cũng nên hạn chế những thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ nhằm làm an toàn hoá sữa mẹ.

Tuyệt đối tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi - lứa tuổi bị dị ứng thức ăn cao nhất. Sự kết hợp ăn kiêng với một chế độ bù dưỡng chất từ thực phẩm bổ sung là một giải pháp an toàn.

Những lưu ý quan trọng khi lựa chọn thực phẩm cho người bị dị ứng

  • Chúng ta cần có kiến thức về các loại thực phẩm dễ gây dị ứng;
  • Tránh sử dụng những thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng;
  • Cần đọc kỹ thành phần của các loại thực phẩm trước khi sử dụng;
  • Nhận biết các triệu chứng sớm của phản ứng dị ứng để có biện pháp xử trí kịp thời.

Trường hợp sau khi ăn có biểu hiện của dị ứng, cần ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng để theo dõi các triệu chứng. Nếu xác định được thành phần hoặc thực phẩm cụ thể gây dị ứng bạn cần luôn ghi nhớ tránh ăn thực phẩm đó sau này.

Có nhiều loại thực phẩm có thể gây dị ứng nhưng có một số loại phổ biến nhất được xác định bao gồm: Sữa, đậu nành, trứng, lúa mì, đậu phộng, hạt cây, cá, động vật có vỏ…

Đối với người đã từng bị dị ứng với các loài động vật có vỏ như tôm, cua, sò, mực…, ngoài việc tránh những loại thực phẩm này cần cẩn thận với việc lây nhiễm chéo thực phẩm.

Nếu bị dị ứng hạt cây, bạn cần tránh ăn các loại hạt. Nên xem xét cẩn thận thành phần các loại hạt trong thực phẩm chế biến sẵn, bơ, dầu.

Nếu bị dị ứng với sữa bò, lúa mì hay trứng cũng cần phải tránh; lưu ý đọc thành phần các thực phẩm chế biến sẵn khác thường chứa trứng, lúa mì, các chế phẩm từ sữa….

Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng, tiền sử bệnh hen suyễn, viêm da cơ địa… cần phải lưu ý đến vấn đề dị ứng thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy, dị ứng thực phẩm với bệnh hen suyễn có mối liên hệ chặt chẽ. Trên thực tế, những người bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn cao hơn những người không mắc bệnh.

Bị hen suyễn cũng làm tăng nguy cơ bị dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả một phản ứng toàn thân có nguy cơ đe dọa tính mạng như sốc phản vệ. Khi các triệu chứng hen suyễn xảy ra với dị ứng thực phẩm cấp tính có nguy cơ làm cho phản ứng trở nên trầm trọng hơn, trong một số trường hợp dẫn đến sốc phản vệ.

Tình trạng dị ứng thực phẩm cũng xảy ra phổ biến hơn ở những người mắc bệnh viêm da cơ địa. Viêm da dị ứng cũng được cho là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự phát triển dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ.

Ngoài các đợt bùng phát bệnh viêm da cơ địa, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và khó thở. Trong chế độ ăn uống hằng ngày của người bị viêm da cơ địa, các chuyên gia cũng lưu ý nên tránh hoặc thận trọng với những thực phẩm dễ gây dị ứng.

 

 

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top