Ngày tết với người tăng huyết áp

Ngày đăng: 03/02/2015 - Lượt xem: 7355

Ngày tết với người tăng huyết áp

Nói đến tết, người xưa có câu:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Ẩm thực ngày tết ở ba miền Bắc, Trung và Nam có những nét đặc trưng: Ở Bắc Bộ là  một hũ hành củ muối, cây nêu hay cây mía, bức câu đối đỏ khai xuân và cả những chiếc bánh chưng xanh cùng nhiều món thịt, giò, chả hấp dẫn. Có bánh chưng, có dưa hành, có thịt mỡ mới có tết. Điều đó làm nên nét độc đáo trong kho tàng ẩm thực ngày tết Việt Nam. Ẩm thực miền Bắc là thế, còn ở cực kia của tổ quốc – người dân Miền Nam lại thích bánh tét thay vì bánh chưng, dưa hành được thay bằng dưa giá. Ẩm thực Miền Trung cũng có nét riêng, không phải là dưa hành, dưa giá mà là ăn dưa món. Món ăn ngày tết không thể thiếu trong những ngày xe lạnh ấy đó chính là thịt nấu đông, cá kho cháy cạnh. Còn ẩm thực Miền Nam thì hấp dẫn với món thịt kho tàu nước dừa nóng hổi.

 

Thật không may, các món ăn đặc trưng ngày Tết hình như lại chưa phù hợp với người thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường. Bánh chưng với nhiều thịt mỡ và tinh bột, dưa hành có nhiều muối, đấy là chưa kể đến trong mâm cơm luôn có rượu hoặc bia làm đầu câu chuyện. Việc ăn uống ngày Tết với người mắc các bệnh mạn tính không lây, trong đó bệnh tăng huyết áp cần được xem xét theo nhiều khía cạnh để mỗi người sẽ được đón Tết trọn vẹn, tràn đầy hạnh phúc. 

 
Mâm cơm gia đình ngày tết

Người tăng huyết áp cần chú ý một chế độ ăn ít chất béo, hạn chế đồ ăn mặn (giảm muối), hạn chế rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau và quả chín, kiểm soát cân nặng. Trong ngày Tết, việc thực hiện chế độ ăn khắt khe là tương đối khó, bữa ăn ngày Tết là mâm cơm chung với không khí vui tươi cùng con cháu, nhiều khi làm người có tăng huyết áp cũng khó kiểm soát được hết mình, dẫn đến ăn nhiều hơn chất đường bột, món nhiều dầu mỡ, món nhiều muối, lại quá chén với rượu, bia và thật vất vả để từ chối những món ăn ngon, những lời mời trân trọng của con cháu.

Trong mâm cỗ ngày Tết, “kẻ thù” đầu tiên của người tăng huyết áp là chất béo. Chất béo từ thịt cũng như chất béo có trong da các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần quan trọng vào việc gây xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ. Thay vì đó, nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản vừa để giảm bớt các món thịt mỡ trong mâm cơm ngày Tết vừa để có thêm các acid béo không no, omega, khoáng chất có lợi cho người tăng huyết áp. Cần lưu ý rằng, ăn bánh chưng, bánh mứt ngọt quá nhiều ngày tết cũng gây tăng cân do khi có nhiều đường năng lượng từ đường làm tích tụ mỡ nhiều hơn bình thường. Hơn nữa, đường qua chuyển hóa trong cơ thể lại là nguồn nguyên liệu để cơ thể sản xuất ra chất béo. Ngoài ra, qua thực nghiệm đã cho thấy đường (sucrose) cũng làm tăng huyết áp, có lẽ là do đường làm tăng sản xuất adrenaline gây co mạch và ứ muối dẫn đến tăng huyết áp. Như vậy, không chỉ người bị đái tháo đường cần hạn chế, người bị tăng huyết áp, người không muốn tăng cân cũng phải biết từ chối hoặc hạn chế tối thiểu ăn bánh mứt ngọt cũng như bánh chưng.

Tiếp đến các món ăn mặn với nhiều muối, đây cũng là vấn đề cần được người tăng huyết áp đặc biệt chú ý quan tâm và hạn chế tối thiểu lượng muối tiêu thụ. Muối ăn (sodium chloride) đã được nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của nó trong tăng huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy rằng ở những quốc gia với chế độ ăn nhiều  muối có tỷ lệ dân số bị tăng huyết áp nhiều hơn ở những quốc gia với chế độ ăn ít muối hơn. Các nhà khoa học cho rằng khi thừa muối thì lượng dịch trong máu tăng lên gây tăng huyết áp; và lượng muối ứ đọng nhiều trong thành mạch làm thành mạch “cứng hơn” là một yếu tố thuận lợi cho tăng huyết áp. Qua thực nghiệm, tổ chức y tế thế giới đưa ra khuyến cáo hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể giúp kiểm soát huyết áp ở người tăng huyết áp (hạn chế muối ăn không làm giảm huyết áp ở người có bình thường). Mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 5 gam muối/người trưởng thành (khoảng một muỗng cà phê muối ăn) sẽ giúp giảm huyết áp 2 – 8 mmHg. Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết ở người bị tăng huyết áp có bị suy tim hoặc người già. Ăn giảm muối quả là một điều khó khăn, đặc biệt với chế độ ăn của người Việt Nam nhiều món kho, món muối. Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, nấu ăn ít muối dùng gia vị thay thế vị mặn của muối.

Rượu, bia là một phần “góp vui” trong mâm cỗ ngày Tết, nhưng theo thống kê cho hay chỉ cần uống 100 ml rượu là đủ để tăng áp lực thành mạch lên 3 mmHg. Do đó, đề ngừa tăng huyết áp nên hạn chế uống rượu, nếu có uống thì nên giới hạn ở mức độ không quá 50 ml rượu mạnh, 150 ml rượu vang và 350 ml bia.

Thay vì những món nên hạn chế kể trên, người tăng huyết áp lại có quyền cho phép mình ăn nhiều hơn món rau xanh, rau củ và quả chín để cung cấp nhiều chất xơ, kali, magiê, vitamin C and vitamin A, đây là những chất dinh dưỡng có ảnh hưởng tốt tới huyết áp. Những loại hoa quả giàu kali quả bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, quả mơ khô, sữa chua…Một bữa ăn nhiều chất xơ đã cho thấy có hiệu quả trong việc dự phòng và điều trị nhiều dạng bệnh tim mạch trong đó có tăng huyết áp. Các loại chất xơ trong bữa ăn là rất quan trọng. Lợi ích lớn nhất với tăng huyết áp của chất xơ là các sợi xơ tạo thành gel hòa tan trong nước như chất xơ trong các loại rau (trong đó rau là loại cung cấp chất xơ rất tốt cho người bị tăng huyết áp), yến mạch, táo, đậu đỗ, thanh long, bưởi, cam gọt vỏ, …Các chất xơ này, ngoài lợi ích chống tăng huyết áp, chúng còn giúp giảm cân, chúng gắn với các kim loại nặng có hại trong cơ thể để thải ra ngoài. Nên sử dụng đủ rau, quả với lượng trung bình là 400 g/người/ngày, với người cao huyết áp nên ăn 500g mỗi ngày; và có thể ăn 100-300g quả chín mỗi ngày.

Chén nước chè, ly cà phê, chén rượu, điếu thuốc là món khởi động cho cuộc gặp gỡ chúc Tết đầu năm. Nhưng với người tăng huyết áp, thì việc từ chối khéo để không uống quá nhiều trong ngày là điều cần chú ý.  Thay vì uống chè đặc, càphê, người tăng huyết áp nên sử dụng sinh tố trái cây để tăng cường vitamin, sử dụng sữa không đường, ít béo, để bổ sung thêm canxi (khoảng 1-2 cốc sữa/ngày), và cần uống đủ nước (>1500ml/ngày).

Ngày Tết thường ăn uống nhiều, bên cạnh đó là sự thay đổi sinh hoạt, thay đổi một số thói quen luyện tập, nghỉ ngơi nên làm cho cơ thể dễ mệt mỏi. Người tăng huyết áp cần đưa ra cho mình lịch trình đi lại, nghỉ ngơi phù hợp, giảm căng thẳng, không quá gắng sức. Trong những ngày Tết, người tăng huyết áp không quên kiểm tra cân nặng của mình vào mỗi sáng thức dậy, và hãy quyết tâm điều chỉnh ăn uống và vận động khi thấy cân nặng có dấu hiệu tăng. Cần chú ý các bài tập luyện như đi bộ, yoga, thái cực quyền cho mỗi buổi sáng (trung bình 30 phút), đồng thời tăng cường bài tập hít thở sâu với không khí trong lành và thả hồn thư thái ngắm nhìn cảnh vật với đa sắc màu và lắng nghe âm thanh trầm bổng của mùa Xuân tươi đẹp.

                                                                    Nguồn: Vi endinhduong.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top