Ngộ độc do ăn nấm độc thường có tỷ lệ người mắc cao, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người ăn, điển hình ngày 9/3/2014 tại Thái Nguyên đã xảy ra vụ ngộ độc do sử dụng nấm tán trắng làm 5 người đồng bào dân tộc Dao mắc.
Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về các biện pháp phòng chống ngộ độc nấm độc nhưng vẫn xảy ra các vụ ngộ độc do ăn nấm độc. Để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp:
1. Tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc.
2. Thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc tới tận hộ gia đình dưới nhiều hình thức bằng cả tiếng tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn, khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động giám sát ca bệnh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nấm độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc do ăn nấm độc xảy ra.
4. Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế theo quy định.
VFA
Bình luận