Khuyến khích DN thực phẩm phát triển theo chuỗi giá trị

Ngày đăng: 24/11/2017 - Lượt xem: 17401

Để nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp thực phẩm cần đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị.

Yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao

Tại hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thực phẩm Việt Nam” diễn ra ngày 16/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành luôn khuyến khích và hỗ trợ các DN công nghiệp thực phẩm đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.

Ông Alexandre Bouchot, Tham tán thương mại nông nghiệp (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) cho rằng các sản phẩm của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận được thị trường EU rộng lớn, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Tuy nhiên, muốn tham gia sâu vào thị trường này, việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị là rất quan trọng, giúp DN bảo đảm truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề thực phẩm, bà Ngô Đặng Bảo Trâm (Công ty Nielsen Việt Nam) cho biết khảo sát của Nielsen Việt Nam mới đây về xu thế tiêu dùng cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về các sản phẩm mới, bảo đảm chất lượng ngày càng tăng. Người tiêu dùng ngày càng muốn các sản phẩm có chất lượng và uy tín, nhất là các tầng lớp trung lưu, họ tìm kiếm trải nghiệm từ các thương hiệu cao cấp. Phân khúc sản phẩm cao cấp tăng đáng kể ở một số ngành hàng, riêng lĩnh vực thực phẩm tăng 11%.

Khảo sát của Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra rằng, 63% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cao cấp vì nó kèm với chất lượng cao và tiêu chuẩn an toàn. Trong khi đó, 53% người được khảo sát cho biết, sẽ chi tiêu cho các sản phẩm cao cấp có chứa nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Bà Trâm cũng gợi mở tới các DN, đó là tạo sự khác biệt cho sản phẩm; ứng dụng thương mại điện tử để tác động đến người tiêu dùng một cách hiệu quả.

Ở góc độ nhà phân phối, đại diện các tập đoàn thu mua, đại siêu thị trong và ngoài nước như: Walmart (Mỹ), CJ, Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan), Vinmart, Satra... đều cho rằng, để các sản phẩm thực phẩm của các DN, cơ sở sản xuất của Việt Nam vào được các hệ thống phân phối hiện đại, ngoài giá cả và mẫu mã sản phẩm, cũng như sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại,… thì vấn đề quan trọng nhất đó là sản phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc.

Xu hướng đầu tư theo chuỗi giá trị

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các DN chế biến lương thực, thực phẩm có quy mô lớn.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Điển hình là các DN trong nước như Satra, Vinmart, Saigon Co.op, PAN Group… hay các tập đoàn lớn của nước ngoài như CJ, Aeon... đã liên kết với nhiều DN Việt Nam xây dựng chuỗi liên kết chế biến thực phẩm với nhiều sản phẩm đa dạng như thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh, thủy sản chế biến…

Ông Trung Anh, Giám đốc R&D của Tập đoàn PAN Group chia sẻ chiến lược của PAN Group là phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Theo đó, Tập đoàn hợp tác, đầu tư với nhiều DN trong nước có tiềm năng, chủ động vùng nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu riêng; bảo đảm quy trình sản xuất khép kín từ vùng nguyên liệu tới sản xuất - phân phối sản phẩm. Đặc biệt, tập đoàn luôn chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, đưa nhiều công nghệ và thiết bị hiện đại từ châu Âu vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng

Để hỗ trợ DN nâng cao giá trị thường hiệu, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại luôn cập nhật các thông tin cho các DN; tư vấn cho DN thiết kế ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đào tạo các kỹ năng cho DN về khả năng đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Đối với ngành hàng, Cục đang xây dựng chiến lược quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thương hiệu quốc gia của DN.

Nguồn: Lê Anh-chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top