Thành phần tham dự hội thảo có các đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản các tỉnh: Kiên Giang, Nghệ An, Bà Rịa Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Trung tâm kỹ thuật 3 (Tổng cục TCĐLCL)..., các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm tại Phú Quốc và thành phố Hồ Chí Minh.
TS. Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc và chủ trì Hội nghị. TS. Lê Văn Giang nêu rõ vai trò quan trọng trong việc góp ý cho Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Các ý kiến này sẽ là đóng góp của Việt Nam cho dự thảo và được gửi sang Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Cá và sản phẩm thủy sản lần thứ 34 tại Na Uy tháng 10 năm 2015.
Tại buổi hổi thảo, các đại biểu sẽ được nghe các báo cáo viên trình bày các nội dung như: Dự thảo Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (bước 6); Điều kiện an toàn VSTP của cơ sở sản xuất thực phẩm; Tình hình sản xuất và chế biến nước mắm tại Phú Quốc; Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn VSTP.
Nhìn chung các đại biểu nhất trí với bản dự thảo Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm của Codex quốc tế và đề xuất một số ý kiến về hàm lượng histamin trong nước mắm; vi khuẩn C.botulium trong nước mắm và sơ đồ quy trình sản xuất nước mắm. Bên cạnh đó còn một số ý kiến của các doanh nghiệp về các khó khăn trong việc sản xuất nước mắm tại Phú Quốc như giá và nguồn cá cơm là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất nước mắm không ổn định, tình hình hàng giả và hàng nhái nước mắm Phú Quốc phức tạp đã tác động nhiều đến danh tiếng của sản phẩm. Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ và sự giám sát của người tiêu dùng.
Kết thúc Hội thảo, TS. Lê Văn Giang ghi nhận các ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu và yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện dự thảo Quy phạm thực hành cũng như quản lý an toàn thực phẩm nói chung.
Văn phòng Codex Việt Nam
Bình luận