Hôm nay, 25-6, Cục ATTP – Bộ Y tế đã chia sẻ thông tin với báo chí liên quan đến các nội dung tại Chỉ thị 17/CT-TTg về chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19-6.
Tại đây, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, tình trạng vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực TPCN hiện vẫn khá phổ biến. Một số hành vi mà các công ty kinh doanh, sản xuất TPCN hay sai phạm, đó là: sản xuất TPCN dù chưa công bố, ghi nhãn sai hoặc gây hiểu lầm giống thuốc chữa bệnh, hay một số công ty đã thay đổi địa điểm sản xuất kinh doanh mà không thông báo lại với cơ quan quản lý...
Đặc biệt, đang xuất hiện tình trạng rất nguy hiểm là nhân viên tư vấn giả danh là bác sĩ, dược sĩ để tư vấn và bán TPCN. Điển hình như mới đây, sau khi có thông tin báo chí phản ánh, Cục ATTP đã ra quyết định thu hồi 13 giấy xác nhận sản phẩm của công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đồng thời ra quyết định thu hồi 4 giấy công bố phù hợp quy định ATTP do Cục cấp cho các sản phẩm của công ty này.
Trước đó, theo phản ánh, một số người dân khi gọi đến số điện thoại tư vấn được quảng cáo trên website chính thức của Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược đã được nhân viên tư vấn giới thiệu dùng các sản phẩm nâng cao sức khỏe và cam kết có tác dụng chữa khỏi bệnh.
Để kiểm chứng, đích thân Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong đã nhấc máy gọi điện để nhờ tư vấn về sản phẩm mang tên Vương Khớp An và được tư vấn viên khẳng định dùng sản phẩm là khỏi bệnh liên quan đến đốt sống. Thế nhưng khi hỏi kiến thức về y tế, nhân viên tư vấn qua điện thoại lập tức lái câu chuyện đi và còn chia sẻ đã có rất nhiều người dùng sản phẩm, điều trị hiệu quả rồi.
Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ rất phổ biến. Đáng cảnh báo là bản thân các tư vấn viên này không có kiến thức về y tế nhưng khi tư vấn còn nói quá lên về mức độ nguy hiểm của căn bệnh mà khách hàng đang nhờ tư vấn nhằm gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.
“TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN tuyệt đối không được ghi nhãn là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người” - ông Phong nói.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo, người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm TPCN có quảng cáo dưới các hình thức như: dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy quảng cáo không đúng quy định.
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, Chỉ thị 17 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thanh tra với các hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng với mặt hàng dược mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nhưng phải tăng cường thanh kiểm tra theo chỉ thị 17 của Chính phủ để kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền" – ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/doi-song/gia-danh-bac-si-duoc-si-de-tu-van-ban-thuc-pham-chuc-nang/772608.antd
Bình luận