Hơn 1/3 lượng nông sản xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu: nghĩa là chúng được giao thương qua biên giới ít nhất 2 lần trước khi đến được người tiêu dùng. Sự phức tạp của chuỗi cung ứng thực phẩm và tầm quan trọng của nông sản thực phẩm giao thương toàn cầu ngày càng tăng đã tạo nên những thách thức mới và thậm chí khó khăn hơn trong việc quản lý thực phẩm an toàn. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn ngày càng phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó nhiều quốc gia đã thực hiện các hệ thống kiểm soát thực phẩm khác nhau đối với nông sản nhập khẩu trong khi các quốc gia khác lại cần hỗ trợ để xây dựng hệ thống kiểm soát đó.
Để giải quyết vấn đề này, FAO đã ban hành tài liệu Hướng dẫn “Hệ thống thông báo điện tử để kiểm soát thực phẩm”. Hướng dẫn này nhằm mục đích hỗ trợ các quốc gia thiết kế và thực hiện một hệ thống thông báo điện tử để kiểm soát thực phẩm đáp ứng các yêu cầu và nguồn lực của các quốc gia.
Tài liệu này bao gồm các nội dung sau:
- Xác định các yêu cầu tiên quyết cần cho một hệ thống thông báo điện tử và nhấn mạnh khung pháp lý cần có để cho phép thực hiện hệ thống đó.
- Chỉ ra các nguồn lực cần có gồm: nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng cần thiết; điều này bao gồm cả trách nhiệm được phân công, các loại thông báo và sắp xếp về thể chế.
- Nhấn mạnh sự cần thiết của việc truy xuất cơ sở dữ liệu và tầm quan trọng của các thể thức trao đổi, cho phép trao đổi quốc tế các thông tin nếu cần.
- Cung cấp danh sách các nội dung cần tính đến khi thực hiện một hệ thống thông báo điện tử, và
- Chia sẻ các kinh nghiệm về hệ thống thông báo điện tử của các quốc gia đang thực hiện ở các cấp độ khác nhau.
Chi tiết của tài liệu này có thể tìm hiểu theo đường link: https://www.fao.org/documents/card/en/c/cc0850en
Văn phòng UB Codex Việt Nam
Bình luận