Công dụng của gừng

Ngày đăng: 05/05/2015 - Lượt xem: 79781

Đông y cho rằng, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Ngoài ra, tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau.

Gừng còn có tên khác là sinh khương, can khương, bào khương... Tên khoa học Zingiber officinale Rose, họ Gừng (Zingiberaceae). Được trồng phổ biến ở mọi miền nước ta để làm gia vị và làm thuốc.

Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ. Thành phần hóa học trong gừng chứa 2 - 3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: b-zingiberen (35%), b-curcumenen (17%), b-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như: geraniol, linalol, borneol. Nhựa dầu chứa 20 - 25% tinh dầu và 20 - 30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỉ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu gừng còn chứa a-camphen, b-phelandren, eucalyptol và các gingerol.

Những công dụng

Gừng sống còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Gừng khô còn gọi là can khương, có tính nóng hơn sinh khương, có thể làm ấm tỳ vị. Gừng đốt cháy tồn tính còn gọi là hắc khương. Hắc khương có vị đắng, thường được tẩm đồng tiện, có thể làm ấm can thận, giáng hư hỏa. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu. Nhờ vậy mà trong kỹ thuật bào chế, gừng cũng có thể giúp cho thầy thuốc đạt được một số mục đích quan trọng. Sinh địa nấu với gừng sẽ hạn chế bớt tính mát. Bán hạ chế với gừng để giải độc. Một số loại thuốc khác như: sâm, đinh lăng... cũng thường được tẩm gừng, sao qua để tăng tính ấm và dẫn vào phế vị.

Tuy nhiên, trong trường hợp âm hư nội nhiệt sinh ho, biểu hư làm ra mồ hôi nhiều hoặc mất máu không nên dùng. Khi sử dụng gừng không nên gọt vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh nên ăn gừng chỉ cần rửa sạch sau đó sử dụng. Không nên ăn gừng trong thời gian dài đối với những người âm hư hỏa vượng, nhiệt trong, mắc các bệnh mụn nhọt, viêm phổi, phù thũng phổi, hạch phổi, viêm dạ dày, viêm gan, viêm thận, bệnh đái tháo đường… Khi bị cảm lạnh, uống nước gừng sẽ rất hiệu quả. Trái lại, đối với những trường hợp cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng tuyệt đối không cho dùng gừng. Không nên ăn gừng tươi đã bị dập: củ gừng tươi sau khi bị dập sẽ sinh ra một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu đàn sẽ biến thành ung thư gan, ung thư thực quản. Mặc dù gừng có nhiều tác dụng nhưng không nên quá lạm dụng.

Một số cách trị bệnh từ gừng

- Trị lở loét khoang miệng: dùng nước gừng tươi thay trà để uống và súc miệng thường xuyên, khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày, sẽ có hiệu quả bất ngờ, khoảng 60 - 90% vết lở loét đều biến mất.

- Viêm nha chu: thường xuyên dùng nước trà tươi nóng để súc miệng hoặc uống đều có hiệu quả chữa trị bệnh viêm nha chu. Nên uống hoặc súc miệng mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Nếu cổ họng bị rát, ngứa hoặc đau có thể cho thêm chút muối ăn vào hòa tan và uống nóng, mỗi ngày uống khoảng 2 - 3 lần.

- Phòng ngừa và trị sâu răng: mỗi buổi sáng và tối kiên trì súc miệng bằng nước gừng nóng hoặc uống nước gừng nóng nhiều lần trong ngày có tác dụng bảo vệ răng, phòng ngừa và trị chứng sâu răng hiệu quả.

- Trị đau nửa bên đầu: khi thấy đau một bên hoặc đau nửa đầu, dùng nước gừng nóng xoa đều ra hai tay sau đó bóp đều quanh vùng đầu bị đau khoảng 15 phút, cảm giác đau đớn sẽ nhanh chóng giảm dần, thậm chí có thể tiêu biến hoàn toàn.

- Say rượu bia: dùng nước gừng nóng để uống không những thúc đẩy quá trình lưu thông máu mà còn giúp tiêu tan lượng cồn trong máu, nhanh chóng đánh bật cơn say sỉn và tình trạng đau đầu lúc tỉnh dậy sau khi uống say. Có thể cho thêm chút mật ong vào nước gừng nóng và uống làm nhiều lần càng tăng thêm hiệu quả giã rượu.

- Trị sắc mặt nhợt nhạt: rửa mặt thường xuyên bằng nước gừng nóng vào mỗi buổi sáng và tối có tác dụng làm cho da mặt hồng hào, sắc mặt nhợt nhạt do thiếu chất, thiếu ngủ hay lao lực sẽ nhanh chóng tan biến. Nên duy trì thói quen rửa mặt như vậy trong vòng 60 ngày liên tiếp. Theo đó, rửa mặt bằng nước gừng nóng cũng phát huy tác dụng nhất định đối với những vết thâm nám và làn da khô ráp.

- Trị chứng gàu: có thể dùng nước gừng nóng thay thế dầu gội đầu để trị gàu. Trước tiên nên thái gừng tươi thành những miếng nhỏ hoặc giã nát, sau đó đắp đều lên da đầu khoảng 10 - 15 phút, cuối cùng dùng nước gừng nóng gội lại thật sạch.

- Đau lưng và đau vai: khi bị đau lưng và đau vai, nên dùng nước gừng nóng cho thêm chút muối và dấm ăn. Dùng khăn thấm đều hỗn hợp gừng tươi, mật ong và dấm lên chỗ bị đau làm nhiều lần. Cách làm này giúp cơ bắp được thoải mái, lưu thông máu, giảm đau rất hiệu quả.

- Trị giun kim: trước khi đi ngủ, nên vệ sinh hậu môn bằng nước gừng tươi nóng, đồng thời uống khoảng 1 - 2 cốc nước gừng nóng, kiên trì trong khoảng 10 ngày có tác dụng diệt giun kim hiệu quả.

- Trị hôi chân: cho thêm chút muối và dấm ăn vào nước gừng nóng, sau đó ngâm chân khoảng 15 phút, lau khô, để chân thoáng mát, mùi hôi sẽ tự khắc biến mất.

- Cao huyết áp: khi huyết áp tăng cao đột ngột, có thể dùng nước gừng tươi nóng ngâm chân khoảng 15 - 20 phút. Nước gừng nóng mặc dù tiếp xúc bên ngoài chân nhưng thông qua các huyệt đạo ở lòng bàn chân sẽ khiến huyết quản giãn nở, theo đó, huyết áp sẽ từ từ hạ xuống.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,386,959
Trong tháng
418,909
Hôm nay
53,891
Đang Online
674