Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn về dinh dưỡng cho người Việt

Ngày đăng: 07/01/2014 - Lượt xem: 6096

“Hơn một năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 19/12/1946 quân và dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đời sống và nhiều bệnh tật. Dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề thời sự. Để đảm bảo sức khỏe cho bộ đội và nhân dân,Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký và cho ban hành 12 điều kỷ luật vệ sinh trong đó có 7 điều liên quan đến vệ sinh ăn uống trong quân đội”

(GS. Từ Giấy chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Viện dinh dưỡng quộc gia tháng 3/1983)

Tổng tư lệnh đã chỉ thị Cục trưởng Cục quân y Vũ Văn Cẩn điều động BS. Từ Giấy từ miền Trung về Hà Nội để lo xuất bản tờ báo Vui sống. Báo Vui sống đã hoạt động trong 6 năm (1946 -1952) trong kháng chiến, với nhiều bài viết phổ biến các kiến thức về vệ sinh phòng bệnh, về dinh dưỡng, về vệ sinh thực phẩm. Đại tướng đã biểu dương: “Tờ báo đã góp phần rất quan trọng phổ biến kiến thức phòng bệnh, đặc biệt là bệnh sốt rét, giữ gìn vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân,cải thiện ăn uống, đề phòng các bệnh thiếu vitamin và các bệnh đường ruột thường làm hao hụt quân số và cách giữ gìn đôi chân trong hành quân đường dài”. Đại tướng đã quyết định thành lập Viện nghiên cứu ăn mặc quân đội do BS. Từ Giấy là Viện trưởng. Viện đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu tổ chức ăn uống đạt chất lượng phục vụ bộ đội trong 2 cuộc kháng chiến.

Từ những năm 60 của thế kỷ 20, tại Việt Nam đã hình thành các đơn vị nghiên cứu và đào tạo cán bộ làm dinh dưỡng như Viện Vệ sinh dịch tễ, (Phạm Văn Sổ, Bùi Thị Như Thuận), Trường đại học Y Hà Nội (Hoàng Tích Mịch, Hà Huy Khôi) Học viện Quân y (Từ Giấy, Nguyễn Mạnh Liên).

Năm 1964, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch có tờ trình và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép xây dựng Chương trình nghiên cứu cải tiến cơ cấu bữa ăn. Chương trình vừa triển khai đã phải dừng lại vì quân và dân miền Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ .

Năm 1975 giải phóng miền Nam, nước nhà thống nhất, vấn đề dinh dưỡng và nghiên cứu cải tiến bữa ăn được tiếp tục đề xuất. Cuối năm 1977, Nghiên cứu cải tiến bữa ăn là 1 trong 10 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, được tiến hành thí điểm ở Công ty gang thép Thái Nguyên, nơi có 16.000 công nhân và 30.000 người trong gia đình. Sau 3 năm triển khai từ 1977 - 1980 đã có kết quả rất đáng khích lệ: gần 5 vạn công nhân và gia đình cơ bản tự túc được các nhu cầu thực phẩm trừ gạo do Nhà nước bán theo nhân khẩu, chứng minh được thực tế trong hoàn cảnh khó khăn, nếu được quan tâm thì đời sống và dinh dưỡng của cán bộ công nhân được cải thiện. Các kết quả được công bố tại một Hội nghị vào tháng 5/1980, được các Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ nội thương, Bộ công nghiệp thực phẩm  đánh giá rất cao. 

Từ kết quả của chương trình trên, Đại tá, GS. Từ Giấy đề xuất cần có một đơn vị nghiên cứu về dinh dưỡng.

Hồi đó, có một số chuyên viên cấp bộ, cấp ngành còn ngần ngại vì ăn còn đang thiếu. Ở một tầm nhìn cao hơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thấy rõ sự cần thiết nên đã ký Quyết định số 181/CP thành lập Viện Dinh dưỡng trực thuộc Bộ Y tế vào ngày 13/6/1980. Việc thành lập Viện Dinh dưỡng đã mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển khoa học dinh dưỡng ở Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định điều động Đại tá Từ Giấy từ Cục Quân y làm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng. Ở thời điểm đó, đây là một quyết định rất sáng suốt, cần thiết với đất nước, phù hợp với xu hướng của thế giới, nên các tổ chức của Liên hợp quốc và một số tổ chức phi Chính phủ các nước đã ủng hộ và viện trợ tài chính, vật tư, máy móc, xe cộ.

Sau khi thành lập, Viện Dinh dưỡng đã coi trọng việc xác định bản chất, quy mô, mức độ và nguy cơ các vấn đề dinh dưỡng có ý  nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng.

Sau đó, Viện công bố kết quả của  một cuộc điều tra lớn ở vùng sau lũ lụt tại xã Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa với tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em cao hơn nhiều với các kết quả đã công bố trước đây. Báo cáo này được trình bày tại Hội nghị của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc và là căn cứ khoa học để xây dựng Dự án PAM 2651 (về thức ăn bổ sung phòng chống Suy dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em) trị giá 24 triệu USD.

Tiếp theo, Viện đã được giao nhiệm vụ triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước 64 – 02 (1981 – 1985) và 64D (1986 – 1990) trong đó có đề tài: “Đánh giá khẩu phần thực tế và tình trạng dinh dưỡng của nhân dân ở các vùng sinh thái khác nhau”. Việc giám sát dinh dưỡng đã được Viện tiến hành điều tra trên các xã ở khắp cả nước liên tục trong 4 năm (1981-1985) để có các số liệu so sánh với các quần thể trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, Viện Dinh dưỡng đã từng bước thực hiện các nghiên cứu chẩn đoán đánh giá tình hình dinh dưỡng ở Việt Nam: đánh giá mức tiêu thụ lương thực thực phẩm; tình trạng dinh dưỡng trẻ em và người trưởng thành; các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng: suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng ở trẻ em, tình hình thiếu vitamin A và bệnh khô mắt, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù...; nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái VAC (vườn – ao – chuồng) để tạo thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn.

 

 

Viện Dinh dưỡng đang triển khai nhiều chương trình:

Chương trình Phòng chống Suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng cho bà mẹ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi được triển khai khắp cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm nhiều nhưng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao.

Chương trình Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, tập trung trước hết vào phòng chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt, phòng chống thiếu sắt gây bệnh thiếu máu và các vi chất khác.

Viện đã xây dựng được cơ sở làm việc, xây dựng các labo, đào tạo cán bộ, mở rộng mạng lưới để thực hiện Chương trình dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Viện đã kết hợp với Trường đại học Y Hà Nội mở ngành đào tạo thạc sĩ về dinh dưỡng cộng đồng có sự giúp đỡ của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) và các loại hình đào tạo khác.

Viện đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện các Kế hoạch hành động Quốc gia về dinh dưỡng cho từng thời kỳ với các mục tiêu cụ thể: 1995 – 2000, 2001 – 2010 và hiện nay 2011 – 2020.

Hiện nay, ngành dinh dưỡng nước ta đang ở thời kỳ chuyển tiếp, bên cạnh các bệnh tật do thiếu dinh dưỡng đang từng bước được đẩy lùi thì đã bắt đầu xuất hiện các bệnh tật do thừa dinh dưỡng mới nẩy sinh như bệnh béo phì và các bệnh mãn tính khác có liên quan: đái tháo đường, huyết áp, tim mạch…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Viện dinh dưỡng 2 lần, dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng ứng dụng tổ chức vào tháng 4/1986 tại Hà Nội. Nhiều lần lãnh đạo Viện đã đến thăm, chúc sức khoẻ Đại tướng và báo cáo sự trưởng thành của Viện, được Đại tướng căn dặn: “Mong Viện Dinh dưỡng ngày càng phát triển, có nhiều sản phẩm dinh dưỡng tốt phục vụ nhân dân”. Xứng đáng với sự tin cậy của Đại tướng, 33 năm qua tập thể cán bộ Viện Dinh dưỡng đã đoàn kết phấn đấu đạt nhiều thành tích xuất sắc, đưa khoa học dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm phục vụ tốt sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển đất nước. Viện đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập Hạng ba và tập thể các nhà khoa học nữ của Viện được tặng Giải thưởng Khoa học Kovalevskaia.

Nguồn: Viện Dinh Dưỡng

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,386,340
Trong tháng
418,290
Hôm nay
53,272
Đang Online
689