Áp chuẩn GMP để thực phẩm chức năng an toàn và cạnh tranh

Ngày đăng: 28/09/2018 - Lượt xem: 3035

Đây là một trong những nội dung được quan tâm thảo luận tại tọa đàm trực tuyến về thực trạng của thị trường thực phẩm chức năng cũng như những giải pháp để thị trường hoạt động ổn định và lành mạnh do VCCI diễn ra chiều 26-9.

Thị trường thực phẩm chức năng phát triển thần tốc

TS Phạm Hưng Củng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển thực phẩm chức năng với hơn 4.000 thảo dược, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Kết hợp với sự phát triển của công nghệ, Việt Nam có nhiều điều kiện để đưa thảo dược thành sản phẩm cho sức khoẻ.

"Chúng ta có nhiều tiềm năng về TPCN. Vấn đề là làm sao tổ chức sản xuất, quản lý, tổ chức thị trường, marketing... để không những phục vụ cho 90 triệu người mà cả 600 triệu dân ASEAN và cả các nước khác", TS Củng nói.

TS. Phạm Hưng Củng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam

Thị trường trong nước cũng đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cũng như các loại sản phẩm. Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.

Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.

Chỉ trong tháng 8-2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 81 trường hợp vi phạm với tổng số tiền nộp phạt lên tới khoảng 135 tỷ đồng. Chủ yếu các trường hợp vi phạm này là về các sản phẩm giảm cân.

Hiện nay, nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả. Vì thế, từ 1-7-2019, Chính phủ có quy định tất cả cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận thực hành tốt – GMP, với các điều kiện tiệm cận điều kiện sản xuất thuốc. Đây được coi là công cụ để ngăn chặn các thực phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường.

Siết chặt bằng GMP, doanh nghiệp than khó

Theo lộ trình thực hiện GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) đã được đề ra, nếu sau 1-7-2019, các đơn vị vẫn không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.

Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp than khó. Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên phân biệt loại TPCN xuất khẩu và loại dùng cho thị trường nội địa. Theo đó, có thể giảm bớt 1 số tiêu chí trong 10 tiêu chí hiện nay, đồng thời có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị tích cực hơn và người tiêu dùng có thể áp dụng rộng rãi hơn.

Đứng ở góc độ khác, ông Nguyễn Phúc Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty dược Phúc Thành An cho rằng, việc siết chặt bằng GMP sẽ làm doanh nghiệp trong nước mất cơ hội, doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào, gây thất thu ngân sách. "Chúng tôi mong muốn có mức phân chia độ đạt của các nhà máy, nếu không đạt GMP thì cũng có tiêu chuẩn phù hợp để doanh nghiệp giữ vững được hoạt động. Chúng tôi đồng tình với việc dẹp bỏ doanh nghiệp manh mún, chộp giật, nhưng là loại trừ bớt chứ không phải làm căng quá khiến hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy..", ông Hưng nói.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Củng khẳng định, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP có nghĩa doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang các thị trường khác thuộc ASEAN, chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn tại các thị trường như Mỹ, châu Âu...

Chính vì vậy, ông Củng khẳng định: “Để đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP, doanh nghiệp phải đáp ứng không chỉ quy mô sản xuất mà còn cả về cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, con người và quy trình quản lý ... đều phải thay đổi theo tiêu chuẩn GMP. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đạt GMP”.

Ông Trần Văn Châu, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Ông Trần Văn Châu, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, theo lộ trình từ 1-7-2019, doanh nghiệp ở nước ngoài vào Việt Nam cũng phải thực hiện, nếu không thực hiện quy chuẩn này thì không được vào Việt Nam. “Như vậy, đây sẽ là cuộc chơi bình đẳng bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện thì không thể vào Việt Nam được. Với tiêu chuẩn GMP thì tình trạng làm ăn gian dối, đưa chất này chất kia vào trong thực phẩm chức năng sẽ bị loại bỏ, tình trạng chỉ mấy m2 cũng sản xuất thực phẩm chức năng sẽ được chấm dứt để tạo thị trường lành mạnh", ông Châu thông tin.

Ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế nhấn mạnh "Tôi cũng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai GMP. Tuy nhiên, sản phẩm được đưa vào sản xuất trong môi trường không bảo đảm tiêu chuẩn, chắc chắn không thể tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Đó là lý do tại sao cần áp dụng GMP. Đây là bộ nguyên tắc chung, không thể thêm vào hoặc bớt đi".

Với những sản phẩm còn lưu hành trong kho chưa kịp tiêu thụ hết, theo ông Trần Văn Châu, những sản phẩm sản xuất trước ngày 1-7-2019 thì thời hạn lưu hành và sử dụng sản phẩm vẫn như bình thường - đó là thời gian 24 tháng.

Theo: Nhandan.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top