Năm học 2017-2018, TP Hà Nội có 1.685 trường có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, chiếm 64% tổng số trường của toàn TP. Trong số này, số trường mầm non và tiểu học chiếm tỷ lệ lớn, với 1.530 trường, chiếm 91%.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) cho biết: Hàng ngày, nhà trường phục vụ trung bình cho gần 800.000 học sinh ăn bán trú với số lượng từ 1 đến 4 bữa/ngày, tùy theo đặc thù từng trường. Các nhà trường đã tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh, không để xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
Năm học 2017-2018, hơn 600 đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã được thành lập và trực tiếp đi kiểm tra, công tác quản lý ATTP và tổ chức bếp ăn bán trú tại các trường học.
Kết quả kiểm tra cho thấy, có 97% số bếp ăn đã ký cam kết ATTP và cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP; 99% số người trực tiếp tham gia đến thực phẩm được khám sức khỏe theo quy định; 100% số thiết bị, dụng cụ chế biến bảo đảm hợp vệ sinh.
Nhà trường đã có ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, 93% số trường đã thực hiện kiểm thực 3 bước hằng ngày và lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Năm học mới lại tới, vấn đề ATTP bếp ăn trường học tiếp tục được chú ý. Các trường phải ký cam kết về đảm bảo ATTP với các công ty cung cấp. Tiếp đến là khâu nhận thực phẩm hàng ngày cần được chú trọng. Nhà trường mời phụ huynh tham gia kiểm tra thực phẩm hàng ngày. Cùng với thực đơn đã gửi thì phụ huynh đều có thể đến kiểm tra thực phẩm vào bất cứ lúc nào.
Đồng thời, các trường cần thành lập ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường…
Nguồn: báo Moitruong.net.vn
Bình luận