Bào ngư được coi là một trong 8 món ăn 'cao lương mỹ vị' (bát trân) nổi tiếng của phương Đông, cùng với yến sào, vây cá mập, ốc khỉ, đế chân voi... Vỏ bào ngư chữa viêm kết mạc, chủ trị bệnh về mắt.
Bào ngư có tên khác là ốc khổng, ốc chín lỗ, cửu khẩu, cửu khổng ngư bào; là một loại ốc biển có cấu tạo đặc biệt thuộc ngành nhuyễn thể, có vỏ cứng bao gồm phần thân rộng và phần xoắn ốc tiêu, tạo thành một khối hình bầu dục dẹt và khum, mặt ngoài sần sùi có vân màu nâu tím và xanh xen kẽ, mặt trong nhẵn bóng có lớp xà cừ óng ánh, ở mép có 7-13 lỗ nhỏ có gờ xếp thành một hàng không có nắp, thường là 9 (nên có tên là cửu khổng), còn các lỗ khác thoái hóa chỉ còn lại vết là những lỗ thở. Chân bào ngư là một khối thịt mềm, dính liền với thân, phát triển rộng ở xung quanh mép vỏ, luôn co giãn để di chuyển, bám chắc hoặc co rút vào trong khi phòng thủ hoặc bị bắt.
Bào ngư sống ở vùng biển ấm, chủ yếu ở các đảo và những nơi có nhiều đá ngầm với độ sâu 2-12m, độ mặn cao và nước thật trong, có nhiều rong tảo. Bào ngư bám chặt vào đá, nên chống chịu được với sóng to, gió lớn ở biển cả, thức ăn của chúng là rong, tảo đa bào.
Thịt bào ngư khi chế biến giàu chất dinh dưỡng được dùng như một món ăn, vị thuốc bổ khí huyết, hạ huyết áp.
Cách làm: Phi thơm hành, tỏi cho thịt bào ngư (50g) vào xào rồi nấu chín với 7,5g thịt sò huyết, 7,5g sơn tra và 400 ml nước luộc gà. Ăn cái, uống nước.
Để giảm đường huyết, trị đái tháo đường: Thịt bào ngư phơi khô 30g nấu với củ cải, ăn cách nhật.
Thịt bào ngư nấu cháo gạo nếp cho phụ nữ sau sinh có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, kích thích tiêu hóa, lợi sữa.
Vỏ bào ngư được dùng với tên thuốc là thạch quyết minh. Vỏ được lấy từ bào ngư còn sống hoặc đã luộc chín. Để làm thuốc đặt vỏ bào ngư trên lò không khói, đốt cho hơi đỏ hồng, lấy ra phun nước muối với tỷ lệ 0,28kg muối cho 1kg vỏ, để cho khô rồi nghiền nhỏ.
Bình luận