Thức uống thanh thử giải độc

Ngày đăng: 29/07/2019 - Lượt xem: 17447

Ngày hè nóng bức, nhất là khi làm việc ở những nơi nắng, nóng hoặc khi ra ngoài trời, cơ thể ra nhiều mồ hôi dẫn đến hao tổn tân dịch và chất điện giải, rất dễ bị say nắng, say nóng.

Sau đây là một số loại ngũ cốc và thảo dược dễ kiếm có thể làm nước uống để thanh thử, giải độc cơ thể trong những ngày hè.

Gạo tẻ: 20g gạo tẻ (cho 1 người), sao vàng đều tới khi có mùi thơm, cho vào nồi, thêm 1 lít nước, đun sôi 30 phút, để nguội. Ngày uống nhiều lần, mỗi lần 50 - 100ml. Có thể ăn cả bã (gạo).

Hoặc 70g gạo tẻ nấu với 250g củ cải hoặc 250g cà rốt, ăn hàng ngày. Củ cải hoặc cà rốt nấu chín, cho gạo tẻ vào ninh nhừ thành cháo, ăn ngày 2 lần. Thích hợp cho người bị đái tháo đường týp II.

Nước ép bí đao giải nhiệt, sinh tân dịch, chữa say nắng nóng, đái tháo đường.

Đậu đen (còn gọi đỗ cả): đậu đen tốt 20g (cho 1 người), sao vàng đến khi có mùi thơm, cho vào nồi, thêm 1 lít nước, đun sôi 30 - 40 phút, để nguội. Ngày uống nhiều lần, mỗi lần 50 - 100ml. Có thể ăn cả bã (hạt đậu đen).

Hoặc đậu đen đồ chín, để lên men, phơi khô còn gọi là đạm đậu xị. Nếu bị cảm nắng, dùng 8 - 16g đạm đậu xị, sắc uống. Nếu kèm theo sốt, họng đau, ho, dùng đậu xị 12g, bạc hà 6g, chi tử 8g, cát cánh 6g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 3-5 thang là 1 liệu trình. Có thể uống vài liệu trình cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.

Đậu xanh (còn gọi là đỗ con hay lục đậu): 40g đậu xanh cho vào nồi, thêm 1,5 lít nước đun nhừ. Ăn cả nước và cái cả ngày. Trường hợp bị cảm nắng, dùng đậu xanh 80g, hoàng liên 20g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống vài ba ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm.

Vỏ đậu xanh - nguyên liệu thu được sau khi làm giá đỗ. Vỏ đậu xanh rửa sạch, để ráo, phơi hoặc sấy khô, hãm uống dưới dạng trà hoặc sắc lấy nước. Mỗi lần uống 10 - 15g, ngày vài lần. Vỏ đậu xanh có tác dụng giải nhiệt rất tốt, lại chống oxy hóa. Do đó, cần tận dụng nguồn nguyên liệu này.

Đậu đỏ (còn gọi xích tiểu đậu): 20g đậu đỏ cho vào nồi, thêm 1,5 lít nước, đun nhừ. Ăn cả nước và cái cả ngày.Ngày nắng nóng cũng có thể dùng 40g đậu xanh và 40g đậu đỏ, nấu cháo ăn cả ngày.

Ngoài ra, có thể dùng đậu đỏ chữa đơn độc, mụn nhọt sưng đau bằng cách tán đậu đỏ thành bột, hòa với ít nước thành hồ nhão, đắp vào nơi sưng đau. Ngày thay vài lần.

Đậu ván trắng (còn gọi bạch biển đậu) có tác dụng giải thử, giải cảm nắng. Đậu ván trắng 15g sao qua, cho vào nồi, thêm 0,5 lít nước, đun nhừ. Ăn cả nước và cái cả ngày. Trường hợp bị đầy bụng, phân nát, lỏng, cần đem hạt sao vàng, thêm ý dĩ, bạch truật, đảng sâm, hoài sơn đồng lượng 10g, đều sao vàng. Sắc uống ngày 1 thang, trước bữa ăn 1 giờ. Có thể dùng 3 - 5 thang là 1 liệu trình. Dùng liền vài liệu trình cho đến khi bệnh thuyên giảm.

Đậu triều (còn gọi đậu cọc rào) có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy. Dùng tốt khi bị cảm nắng, kèm theo đau họng, ho. Dùng 10g hạt đã sao vàng, sắc uống hoặc phối hợp với sài đất, kim ngân hoa mỗi thứ 10g, sắc uống.

Bột sắn dây: Lấy 5 - 10g bột sắn dây, thêm nước sôi nguội quấy đều, uống. Có thể thêm chút đường cho dễ uống. Ngày vài lần. Trường hợp bị say nắng, say nóng, người cồn cào, choáng váng, háo khát, dùng 40g rễ sắn dây tươi sắc với mạch môn, cỏ nhọ nồi đồng lượng 40g; trúc diệp 20g, sắc uống.

Dưa hấu (còn gọi là tây qua): là vị thuốc giải thử quý của Đông y. Lấy 50 - 100g ruột đỏ, ăn tươi hoặc vắt lấy dịch uống ngày 1 - 2 lần. Ngoài ra, dùng cùi dưa hấu tươi (phần vỏ quả, bỏ lớp vỏ ngoài - Endocarpium Citrulli) 50 - 100g, thái mỏng giã nát hoặc xay nhỏ, thêm chút nước sôi nguội vắt lấy dịch, uống mỗi lần 50ml, ngày 2 - 3 lần hoặc lấy cùi tươi thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, mỗi lần dùng 12 - 15g, sắc uống ngày 1 - 2 lần.

Bí đao (còn gọi đông qua): Lấy 50 - 100g cùi còn gọi đông qua bì - Endocarpium Benincasae  hispidae), bỏ vỏ ngoài và ruột, thái mỏng, giã nát hoặc xay nhỏ, thêm chút nước sôi nguội, vắt lấy dịch uống ngày 1 - 2 lần, mỗi lần 50ml. Đông qua bì là vị thuốc giải nhiệt tốt. Ngoài ra còn có tác dụng trị bệnh đái tháo đường týp II, khi dùng lấy 100g bí đao phối hợp với 30g củ mài, 60g lá sen tươi sắc nước uống vài lần trong ngày.

Mướp đắng (còn gọi khổ qua): Chọn quả bánh tẻ (không già, không non), rửa sạch, cắt bỏ 2 đầu, bỏ ruột, thái mỏng, giã nát hoặc xay nhỏ, thêm chút nước sôi nguội, vắt lấy dịch uống. Có thể thêm chút đường cho dễ uống. Ngày 1 - 2 lần, mỗi lần 50ml. Hoặc quả mướp đắng bỏ ruột thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng lấy 12 - 16g, sắc uống mỗi lần 50ml, ngày 2 lần.

Rau má (còn gọi tích tuyết thảo): Lấy rau má rửa sạch, thái đoạn 3 - 5cm, giã nát hoặc xay nhỏ, thêm chút nước sôi nguội, vắt lấy dịch, uống. Ngày 1 - 2 lần. Mỗi lần 50ml.

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top