Phớt lờ cảnh báo
BS Nguyễn Trung Nguyên- Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), chia sẻ: Trong dịp cận Tết, các bác sĩ liên tục cấp cứu cho các ca ngộ độc rượu, viêm thận cấp, chảy máu đường tiêu hóa vì rượu. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng này vẫn không đỡ.
Đáng ngại nhất là các ca ngộ độc methanol do uống phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc. Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh hoặc gây ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao. Có không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, ngoài nguy cơ tử vong, ngộ độc, uống rượu bia quá chén dẫn tới say xỉn còn là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác như gan, dạ dày, tim mạch, tâm thần… ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người uống rượu và sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tại BV Việt Đức (Hà Nội), những ngày áp Tết cũng là lúc tình trạng bệnh nhân nhập viện lại tăng cao do tai nạn giao thông, trong đó các ca nhập viện chủ yếu liên quan đến bia rượu. Cụ thể trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2019 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận gần 400 ca cấp cứu, trong đó hơn 200 ca do tai nạn giao thông. Trong đó có nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Các nạn nhân đều là thanh niên, đang trong độ tuổi lao động. Nhiều bệnh nhân nhập viện mà mùi rượu bia vẫn nồng nặc, thậm chí có ca các bác sĩ không thể gây mê vì bệnh nhân say xỉn. Không chỉ gây tai nạn, say rượu bia cũng là “chất xúc tác” dẫn đến nhiều vụ đánh nhau, án mạng ngoài đường, các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng... mà cơ quan chức năng không thể thống kê đầy đủ.
Mất tiền vẫn uống phải rượu giả
Nắm bắt được tâm lý thích sính rượu ngoại của người tiêu dùng, những kẻ kinh doanh hám lợi đã bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm lời. Để làm rượu giả, những kẻ gian lận thường thu mua lại vỏ chai của các thương hiệu ngoại có tiếng rồi chiết rượu kém, giả mạo vào. Các sản phẩm này thường ít bày ở những điểm bán lớn, uy tín mà hay xuất hiện ở những chỗ bán nhỏ lẻ hay cho sẵn trong các gói quà Tết bán tại các điểm không cố định.
Người tiêu dùng mua phải các loại rượu ngoại giả này, không những tổn thất về kinh tế mà còn đối diện với nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Một thống kê cho thấy, năm 2017 có khoảng 80% lượng rượu trên thị trường không được dán tem thuế, không kiểm soát được về mặt chất lượng, trôi nổi thị trường. Trong khi đó, người dân dù đã được cảnh báo nhưng vẫn thờ ơ, còn nặng tâm lý Tết phải có rượu ngoại trong nhà mới sang, chuộng rượu ngoại xách tay không rõ nguồn gốc. Đây cũng chính là cơ hội tốt để những đối tượng kinh doanh nhẫn tâm bán rượu giả.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người tiêu dùng lại chuộng rượu ngâm. Tại Hà Nội, ở hầu hết các quán nhậu, quán cơm bình dân, quán nướng, ốc nóng… ở khu vực Kim Liên, Hoàng Ngọc Phách, Chùa Láng (quận Đống Đa), Phùng Hưng, Bát Đàn, Mai Hắc Đế (quận Hoàn Kiếm)… thường sử dụng các loại rượu ngâm như: Táo mèo, ba kích, ổi, nếp cái hoa vàng… Đáng chú ý, tất cả các loại rượu này đều được đóng trong chai nhựa, không có tem dán, nhãn mác… Khi được hỏi về nguồn gốc các loại rượu ngâm này, tất cả các chủ quán đều khẳng định rượu của người nhà tự nấu, uống không đau đầu, khát nước, đảm bảo chất lượng… Tuy nhiên, không một ai có thể dám chắc quá trình tự ngâm, tự nấu rượu có đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ- Phó Chủ tịch Hiệp hội rượu, bia, nước giải khát Việt Nam cho biết, hiện có trên 95% số người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% thích uống rượu tự nấu vì giá rẻ, hợp khẩu vị. Hiện nay, rượu tự nấu đang chiếm khoảng 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước - tương đương khoảng 250 triệu lít/năm và con số này tăng từ 8 - 10% mỗi năm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của các loại rượu này gần như không có, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.
Người tiêu dùng cần chủ động với ATTP
Ông Nguyễn Đắc Lộc- Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, dịp Tết Kỷ Hợi, Chi cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hàng hoá, kiểm soát thị trường; bảo đảm ATTP, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp khắc phục hậu quả, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến sản phẩm rượu nhập lậu, rượu giả…
Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ chủ động kiểm tra, kiểm soát không để tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hoá không bảo đảm tại các hội chợ Xuân, hội chợ hàng Việt, điểm du lịch trên địa bàn; không để tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình trạng khó khăn trong vận chuyển để tăng giá, thu lợi bất hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm; đồng thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung ứng hàng hoá trên địa bàn trong và sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi...
Để chủ động phòng, tránh nguy cơ ngộ độc rượu, người dân cần đặc biệt lưu ý mua và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi người cần tự giác điều chỉnh, không nên lạm dụng uống nhiều bia, rượu và biết uống “có điểm dừng”, uống “có trách nhiệm”, không ép buộc nhau uống nhiều; đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.
Xuân Thủy
Bình luận