Nghị quyết nêu rõ, thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.
Phạm vi thí điểm không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Thời gian thí điểm là 1 năm.
Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.
Công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
Ngân sách cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước. UBND cấp tỉnh theo phân cấp ngân sách ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP cấp huyện, cấp xã; chủ động bố trí dự toán chi ngân sách hằng năm tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP phần ngân sách của từng cấp được hưởng theo quy định để khen thưởng, đầu tư trang thiết bị, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương nêu trên và thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2018.
Sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế tổ chức tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ.
VFA
Bình luận