Phát hiện vi khuẩn tả trong ốc bươu

Ngày đăng: 06/08/2014 - Lượt xem: 3503

Chiều 6.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Nhận định về diễn biến dịch bệnh trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lo ngại, dịch tiêu chảy cấp có thể gia tăng tại TP.HCM do diễn biến phức tạp bởi phát hiện các yếu tố ô nhiễm trong thực phẩm, dù số mắc hiện nay giảm.

Đặc biệt tả có nguy cơ xảy ra bởi đã phát hiện vi khuẩn tả trong ốc bươu là vi khuẩn từng gây dịch tả năm 2007. Thực tế đó cho thấy môi trường, tình trạng ô nhiễm, mầm bệnh từ nước, thực phẩm ăn uống là các nguy cơ phát tán mầm bệnh và gây dịch đã rất gần. Nếu mầm bệnh tả có trong nước thì khả năng dịch xảy ra là rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thông báo, kiểm tra tại TP.HCM cho thấy, môi trường sống khu vực ngoại ô thành phố đang ở mức báo động cao, vẫn còn cầu tiêu ao cá là thói quen sinh hoạt rất mất vệ sinh, nguy cơ rất lớn cho nhiễm bệnh dịch trên người. Nguồn thực phẩm xét nghiệm tại chợ đã phát hiện có vi khuẩn E.coli, đặc biệt là tìm thấy vi khuẩn tả trong ốc. Kiểm tra nguồn nước tại các trạm cấp nước trên 1.000 m3 phát hiện hàm lượng clo dư rất thấp và còn tồn tại các vi khuẩn gây bệnh dịch đường tiêu hóa như: E.coli, coliform. Các yếu tố trên cho thấy rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Bộ Y tế có văn bản đề nghị TP.HCM khắc phục tình trạng này.

Giám sát bệnh Ebola đối với hành khách

Trong khi đó, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng rất lo lắng về khả năng dịch Ebola có thể xâm nhập vào VN qua các công dân VN đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch. Dịch nguy hiểm này cũng có thể xâm nhập qua công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola. Ông Phu cũng bày tỏ khó khăn cho việc xác định người về từ vùng có dịch do không có chuyến bay thẳng về VN, vì vậy Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan an ninh cửa khẩu sẽ phối hợp, sàng lọc, chuyển các trường hợp về từ vùng có dịch Ebola qua bộ phận khai báo y tế. Ngoài ra, trong nước cũng đang chờ hỗ trợ từ Tổ chức Y tế thế giới, từ các tổ chức quốc tế giúp cho xét nghiệm phát hiện vi rút Ebola.

Ngay trong chiều 6.8 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Theo đó, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh: sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ; đau họng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy cấp; một số có phát ban, nôn, đi ngoài ra máu; tiền sử đi đến từ vùng, quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc Ebola hoặc động vật nhiễm vi rút Ebola trong vòng 21 ngày.

Về dịch Ebola, Cục Y tế dự phòng thông báo, từ đầu vụ dịch năm 2014 đến nay đã ghi nhận hằng ngày trường hợp mắc bao gồm gần 1.000 trường hợp tử vong tại 4 nước Guinea; Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Dịch Ebola tại châu Phi vẫn tăng nhanh chóng.

WHO họp khẩn về dịch Ebola

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập khẩn cấp ủy ban về Quy định tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) trong hai ngày 6 và 7.8 để thảo luận về dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi, theo AFP. Qua phiên họp, các chuyên gia sẽ xem xét có công bố dịch Ebola là “đe dọa khẩn cấp đến sức khỏe cộng động toàn cầu” hay không. Trong trường hợp mức độ rất nghiêm trọng này được xác nhận, WHO sẽ gấp rút lập kế hoạch chống dịch ở quy mô toàn cầu với những biện pháp được áp dụng tức thời, chẳng hạn như khuyến cáo hạn chế du lịch, giao thương với những nước đang bị dịch.

Nguồn: thanhnien.com.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top