Lựa chọn, bảo quản thực phẩm trong những ngày Tết

Ngày đăng: 31/01/2014 - Lượt xem: 4405

Cứ mỗi dịp Tết đến, nhu cầu mua bán thực phẩm của người dân lại gia tăng đột biến. Phần do nhu cầu ăn uống trong những ngày nghỉ ngơi, phần do nhu cầu “biếu tặng” của người dân đối với thực phẩm.

Việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn đã dẫn đến những hệ lụy của nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” trong những ngày Tết... Nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm? Lựa chọn thực phẩm và bảo quản như thế nào để bảo đảm an toàn trong những ngày Tết?  Thực phẩm hiện nay có rất nhiều chủng loại khác nhau theo nguồn cung cấp,  cách sơ chế, chế biến, tính khả dụng của thực phẩm... Tùy theo loại thực phẩm có các nguy cơ ô nhiễm các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khác nhau. Đối với nguyên liệu thịt, cá có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản...); đối với rau củ quả ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, vi sinh vật gây bệnh; đối với thực phẩm bao gói sẵn ô nhiễm hóa chất tạo mầu cấm sử dụng, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu; đối với rượu không an toàn (có hàm lượng Aldehyt cao, ngâm các loại cây, con chứa các độc tố chết người, có cồn công nghiệp – Methanol...); đối với nguyên liệu thực phẩm có thể chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, ốc ma, bạch tuộc đốm xanh, tảo độc...). Thực phẩm có thể bị ô nhiễm từ nguyên liệu trước khi chế biến và có thể cả trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Một số chú ý trong việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn trong những ngày Tết:

(1) Đối với rau quả tươi:Hình dáng bên ngoài phải còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống, cảnh giác loại quá “mập”, “phổng phao”. Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo (không lựa chọn loại có màu sắc bất thường). Sờ - nắm có cảm giác nặng, chắc tay (một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật cho cảm giác “nhẹ bỗng”). Không có mùi lạ (Nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều có thể ngửi thấy mùi hắc, mùi lạ...). Không có dính “chất lạ” trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả… có các vết lấm tấm hoặc vết trắng. Đối với quả, núm cuống còn tươi, tuyệt đối không được thâm nhũn, hoặc dính hóa chất bảo vệ thực vật; khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ không được có sự biến màu giữa lớp vỏ và thịt quả...

(2) Đối với thịt gia súc tươi (thịt lợn, bò...):

Màng ngoài của lát thịt khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả; lớp mỡ có màu sắc sáng, khô, độ rắn, mùi vị bình thường. Sờ - nắm khối thịt có cảm giác rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết bị lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Bám chặt vào thành xương, màu trong, đàn hồi. Khi luộc, nấu cho mầu nước canh trong, mùi thơm của thịt, trên mặt có nổi một lớp mỡ vết to..

(3) Thực phẩm bao gói sẵn (dạng gói, dạng hộp...)

Sản phẩm không được rách, nát, không bị biến dạng. Đặc biệt phải có đủ nhãn mác với các nội dung sau: Tên thực phẩm; Tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng của thực phẩm; Thành phần cấu tạo; Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng và xuất xứ của hàng hóa.

Nên lựa chọn sản phẩm ở các cửa hàng có tín nhiệm quen thuộc, siêu thị… những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh. Không nên mua ở những cửa hàng, quán hàng, bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng, ở những nơi bày bán lẫn lộn hóa chất, xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm, xăng, dầu, sơn, hóa chất bảo vệ thực vật… Đối chiếu yêu cầu bảo quản sản phẩm trên nhãn mác với điều kiện thực tế của cửa hàng để lựa chọn sản phẩm. Không mua sản phẩm được yêu cầu bảo quản mát hoặc lạnh mà cơ sở không có phương tiện bảo quản mát, lạnh hoặc nơi bày bán dưới nắng, nóng... Đối với thực phẩm đông lạnh, không mua khi sản phẩm không thấy lạnh, hoặc đã bị mềm do không đủ nhiệt độ lạnh để bảo quản hoặc thấy mầu sắc khác thường hoặc lớp lông tơ trên bề mặt sản phẩm (có thể bị nhiễm nấm).

Các nguyên liệu rau, củ, quả khi mua về phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh hoặc nơi mát, thoáng gió. Đối với nguyên liệu thịt, cá tươi phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn đá của tủ lạnh hoặc tủ cấp đông. Đối với thực phẩm bao gói sẵn, phải làm sạch bao gới, bảo quản sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất ghi trên nhãn mác của sản phẩm bao gói sẵn.

Việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn của người tiêu dùng góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm có hiệu quả trong ngày Tết nói riêng và trong tình hình hiện nay nói chung. Đây là giải pháp có vai trò vô cùng quan trọng của người tiêu dùng trong việc đồng thuận, trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội một cách hiệu quả và bền vững.

VFA

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top