HẢI PHÒNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ

Ngày đăng: 19/06/2024 - Lượt xem: 386

Trong năm 2023 và đầu năm 2024 trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Thực hiện Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 và Công điện số 50/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm; Công văn số 1021/UBND-VX ngày 04/5/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc triển khai cấp bách các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; ngày 07/6/2024, Sở Y tế chủ trì cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.

Tham dự Hội nghị, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có đồng chí Trần Thị Liên, Phó trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố; TS Phan Huy Thục, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn; đồng chí Phạm Tuấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương; đồng chí Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng; cùng đại diện các lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan; các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn thành phố

 Hội nghị đã nghe báo cáo thực trạng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, kết quả bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên địa bàn; các ý kiến tham luận về công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính trong công tác quản lý thức ăn đường phố tại tuyến cơ sở do Ủy ban nhân dân phường Đông Khê, quận Ngô Quyền trình bày; tham luận việc bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố từ nguồn nguyên liệu thực phẩm tươi sống do Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày; và phần thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị.

Qua báo cáo thực trạng và kết quả công tác quản lý thức ăn đường phố tại Hải Phòng cho thấy: Hiện nay dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố đang phát triển rất mạnh mẽ; thời gian gần đây foodtour với các quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố trở thành hoạt động như một sản phẩm du lịch của thành phố Hải Phòng.

Thức ăn đường phố đáp ứng nhu cầu sử dụng của đại đa số người dân thành phố. Với Hải Phòng và Việt Nam nói chung, thức ăn đường phố như một nét văn hóa rất gần gũi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt với người lao động có thu nhập thấp, người làm công ăn lương, học sinh, sinh viên, du khách…Thức ăn đường phố có ở khắp mọi nơi, đặc biệt là những nơi đông dân cư, nơi công cộng, thuận tiện cho mọi người sử dụng, ở mọi thời điểm, giá cả phù hợp, tiết kiệm thời gian. Sản phẩm dịch vụ thức ăn đường phố đa dạng, nhiều món ăn món ăn đường phố của Hải Phòng đã được cả nước và du khách quốc tế biết đến và muốn được thưởng thức như: Bánh đa cua, bánh mì que, nem hải sản...,

Bên cạnh đó thức ăn đường phố còn nhiều nhược điểm, hạn chế cần khắc phục như: Thức ăn đường phố thường có diện tích khu vực kinh doanh, dịch vụ hẹp, phần lớn vừa là nhà ở, vừa dùng để kinh doanh hoặc thuê lại những vị trí tạm thời, không ổn định, hoặc không có địa điểm cố định; phần lớn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không được bố trí theo nguyên tắc một chiều, vừa chế biến, nấu nướng, vừa chia thức ăn, thiếu diện tích để kê đủ các bàn theo yêu cầu chế biến; do đặc điểm phục vụ ở nơi đông người qua lại như các đầu mối giao thông, chợ, trường học, bệnh viện…nên không khí, môi trường xung quanh thường bị nhiễm bụi bẩn, cống rãnh ứ đọng nước bẩn nơi hè phố, rác thải ở các khu chợ, bến tàu, bến xe thường không được giải quyết ngay đã tạo điều kiện côn trùng gây hại phát triển nhanh dễ gây ô nhiễm thức ăn, nhất là các món ăn chế biến sẵn với khối lượng lớn, thời gian bán ở nhiệt độ bình thường kéo dài; do lợi nhuận kinh doanh nên người kinh doanh thức ăn đường phố chưa thực hiện tốt một số quy định: Dùng chung dao thớt sống, chin, để thực phẩm tươi sống gần cạnh thực phẩm chế biến ăn ngay gây nguy cơ ô nhiễm chéo, vẫn còn tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm tùy tiện, không theo quy định, bàn tay người chế biến không được rửa sạch thường xuyên, không đủ nước sạch chế biến…; còn dùng dụng cụ chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đảm bảm như: Giấy báo, giấy qua sử dụng để gói thực phẩm, túi, khay xốp không rõ nguồn gốc đựng thực phẩm, xô, thùng, chậu không rõ nguồn gốc, tái sử dụng để đựng thực phẩm…

Tới thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố có khoảng 7.772 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố. Đa số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là cơ sở nhỏ lẻ; tuy nhiên cũng có nhiều cơ sở cung cấp với số lượng lớn lên tới hàng trăm suất/ngày. Số cơ sở đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm: 6.276, đạt 80,8%; số cơ sở được kiểm tra năm 2023: 4.475, đạt 57,6%; số cơ sở bị xử phạt năm 2023: 20 cơ sở chiếm 0,4% số cơ sở được kiểm tra; số sơ cở đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm: 3.616, đạt 46,5%.

Như vậy, công tác quản lý thức ăn đường phố đã đạt được những kết quả tích cực ở một số hoạt động. Các địa phương đã có sự quan tâm nhất định đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; đặc biệt trong những đợt cao điểm. Tại cấp huyện, xã việc tham mưu, triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu do ngành Y tế thực hiện; trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế các địa phương cơ bản đã tham mưu triển khai việc đàm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên địa bàn. Trong những năm gần gây, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố.

Hội nghị đã thảo luận về những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố như: Việc quản lý thức ăn đường phố chưa được sâu sát, thường xuyên, không có cơ quan quản lý chuyên ngành an toàn thực phẩm, các hoạt động quản lý chủ yếu được triển khai trong các đợt cao điểm, thành lập các đoàn liên ngành, chủ yếu mang tính phong trào; tỷ lệ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm còn cao, môi trường khu vực kinh doanh, chế biến, bày bán có có nhiều bụi bẩn, cạnh cống rãnh, thức ăn không được bày bán trong tủ kính, bàn cao, chưa thực hiện đủ việc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, tỷ lệ cơ sở được tập huấn thấp, tỉ lệ cơ sở có lỗi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính quá thấp…; nhận thức về thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn thức ăn đường phố của một số cấp chính quyền và cán bộ quản lý còn chưa toàn diện, đầy đủ cho rằng thức ăn đường phố có quy mô nhỏ, phục vụ ít, khó xảy ra ngộ độc và nếu xảy ra cũng với số nhỏ người mắc; kiến thức, ý thức của không ít người kinh doanh thức ăn đường phố không đủ, kém trong việc chấp hành các quy định, điều kiện an toàn thực phẩm; nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng, sử dụng thức ăn đường phố còn khá dễ dãi trong việc lựa chọn dịch vụ thức ăn đường phố, không có thái độ rõ ràng, đặc biệt thái độ đối với những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có biểu hiện, hành vi chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn, vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở được kiểm tra an toàn thực phẩm hàng năm còn đạt thấp, việc kiểm tra còn sơ sài, hình thức, các tồn tại đa số được nhắc nhở nhưng chưa khắc phục nghiêm túc, kịp thời, việc xử phạt vi phạm hành chính còn rất hạn chế; thiếu trang thiết bị, đặc biệt là các thiết bị test nhanh phục vụ kiểm tra an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn đường phố khó kiểm soát về nguồn gốc, nhiều cơ sở mua nguyên liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế: Quản lý an toàn thực phẩm là lĩnh vực chuyên ngành, tuy nhiên tại cấp huyện và cấp xã không có cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố diễn ra thường ngày, cần phải được quản lý, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thường xuyên, nguồn lực con người hiện nay quá mỏng; kinh doanh thức ăn đường phố ngay tại nơi công cộng, bến tàu xe, vỉa hè…nên môi trường kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm, trong khi cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến thức phẩm; do người quản lý, các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm đến an toàn thực phẩm nói cung và thức ăn đường phố nói riêng; chính quyền địa phương chưa quan tâm đến quản lý an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố; do bản thân người kinh doanh thức ăn đường phố không thường xuyên cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm, đồng thời cũng do công tác truyền thông, tuyên truyền chưa đượng thường xuyên, hiệu quả; người tiêu dùng chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của thức ăn đường phố đối với chính mình, với gia đình và xã hội; chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm cũng như vai trò của người tiêu dùng đối với sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố nói riêng; đơn vị thực hiện quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố theo phân cấp chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, chưa thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; do thiếu kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, xét nghiệm mẫu thực phẩm đối với thức ăn đường phố; do thức ăn đường phố chi phí giá rẻ, nguồn nguyên liệu phần lớn được mua từ các chợ cóc, chợ tạm, cơ sở thu gom, hộ sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng nhỏ lẻ…khó xác định được nguồn gốc.

Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, kết quả công tác quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố thời gian qua; nhưng tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; việc thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; nguyên nhân của tồn tại khó khăn và giải pháp khắc phục. Hội nghị đã thống nhất đưa ra kết luận về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố như sau:

Về trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên địa bàn. Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, việc quản lý, bảo đảm an toàn thức ăn đường phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã phân công trách nhiệm quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tại Điều 9 Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 14/9/2018.

Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố: Cần tăng cường nguồn lực con người cho công tác quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện môi trường các khu vực cộng cộng, bến tàu, bến xe, cổng các trường học, khu vui chơi giải trì, những nơi tập trung đông người có nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; tăng nguồn kính phí cho công tác an toàn thực phẩm, cần có cơ chế để các địa phương dành một phần kinh phí cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm từ động vật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Du lịch: Cần có sự phối chặt chẽ, hiệu quả liên ngành. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố, chú trọng các chợ đầu mối, các cơ sở thu mua, các hộ gia đình nuôi trồng nhỏ lẻ; Sở Công Thương phải quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, chú trọng các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát, cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp; Sở Du lịch phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm hoạt động foodtour, an toàn thực phẩm tại các khu du lịch.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Y tế về quản lý an toàn thực phẩm, phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thức ăn đường phố trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người quản lý, người kinh doanh thức ăn đường phố và người tiêu dùng về quyền, trách nhiệm, vai trò của người tiêu dùng đối với bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã: Các cấp chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cần quan tâm thực sự đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm là lĩnh vực xã hội liên quan đến trực tiếp sức khỏe con người, thực tế cho thấy ở đâu chính quyền quan tâm thực sự đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm, ở đó công tác quản lý an toàn thực phẩm sẽ tốt; cần thực hiện có trách nhiệm việc quản lý thức ăn đường phố trên địa bàn theo đúng phân cấp tại Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố và trách nhiệm quy định tại Điều 33 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; dành nguồn kinh phí cho việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó có việc quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.

Bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện với nguyên tắc theo chuỗi từ trang trạng tới bàn ăn; vì vậy để thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thức ăn đường phố, cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, Sở, ngành, đơn vị liên quan và toàn xã hội, đặc biệt có vai trò quan trọng của người tiêu dùng. Xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố không phải của riêng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị nào. Đồng thời, để công tác quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả cần có sự quan tâm thực sự, nhìn nhận đánh giá, lắng nghe từ cơ sở, từ những tồn tại, khó khăn thực tế để thấy được nguyên nhân và giái pháp phù hợp, hiệu quả./.

Chi cục ATVSTP Thành phố Hải Phòng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top