Cây hồng xiêm quen thuộc với mọi người, là một loài cây thân gỗ, sống lâu năm. Có quả hai lần trong năm, quả hình cầu hoặc hình quả trứng thon dài và chứa từ 2 - 10 hạt, vỏ có màu nâu - vàng nhạt. Bổ quả thịt có màu nâu ánh đỏ, hạt của nó có màu đen.
Miền Bắc gọi là hồng xiêm, bà con miền Nam gọi là quả sa-pô-chê. Quả hồng xiêm khi xanh chứa tanin (nhưng khi quả chín thì không còn), 2-3% dầu và acid cyanhydric. Hạt chứa chất nhựa dầu; vỏ hạt chứa 20% dầu béo; 1% saponin và 0,08% chất đắng sapotinin. Người cao tuổi, trẻ em, người yếu mệt mới ốm dậy ăn đều tốt.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, hồng xiêm còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Quả hồng xiêm còn xanh là một vị thuốc chữa tiêu chảy tốt vì có chứa nhiều tanin.
Quả hồng xiêm có vị ngọt, tính mát; có tác dụng bổ mát, sinh tâm dịch, giải khát, nhuận tràng. Vỏ cây bổ và hạ nhiệt; trong vỏ cây có một chất tan trong nước có thể hỗ trợ trị lao; hạt lợi tiểu.
- Chữa tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều mỡ, đạm: Quả hồng xiêm còn xanh 15 - 20g, cho 200ml nước, đun nhỏ lửa còn lại 100ml, chia làm hai lần uống trong ngày. Uống sau ăn 15 phút. Uống 3 - 5 ngày.
Có thể thay thế 6 - 10g vỏ thân cây hồng xiêm, rửa sạch, cho 250ml nước, sắc sôi 15 phút còn 100ml nước, chia 2 lần uống trong ngày.
- Chữa táo bón, ăn kém, kiện tỳ: Những người bị táo bón ăn mỗi bữa vài quả hồng xiêm chín (mỗi ngày ăn hai bữa, mỗi bữa hai quả) chỉ mấy hôm sẽ hết táo. Có thể ăn mỗi ngày từ 3 đến 5 quả.
Có thể lấy lá hồng xiêm 20g, vỏ quả quýt 10g, thủy xương bồ 5g, cho 400ml nước sắc còn 150ml, ngày một thang, chia 2 lần. Dùng liền 5 ngày.
- Lợi niệu, giảm sốt: Hạt hồng xiêm 5g nấu nước sắc uống, có thể thêm lá tre 100g; cho 450ml nước sắc còn 150ml nước, chia ngày 2 lần, uống lúc còn nóng.
(Theo SK & ĐS)
Bình luận