4 phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương

Ngày đăng: 11/11/2013 - Lượt xem: 9097

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 28/2013/TT-BCT Quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

 Thông tư số 28/2013/TT-BCT quy định về phương thức, nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra và tổ chức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu, bao gồm: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo và bao bì chứa đựng các sản phẩm trên.

Theo Bộ Công Thương, có 4 phương thức kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Cụ thể, với phương thức kiểm tra chặt, cơ quan kiểm tra sẽ lấy mẫu xác suất hoặc lấy tại các điểm nghi ngờ để kiểm nghiệm, đánh giá toàn diện an toàn thực phẩm đối với tất cả các lô sản phẩm của cùng lô hàng.

Phương thức này sẽ được áp dụng khi thực phẩm được nhập từ một cơ sở chế biến ở nước ngoài và cơ quan kiểm tra được thông báo hoặc được biết là nằm trong khu vực có nguồn ô nhiễm hoặc có mầm bệnh dịch nguy hiểm có thể lây sang người; trường hợp lần nhập trước đó không đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc khi có văn bản của Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng phương thức kiểm tra chặt vì phát hiện sản phẩm đang lưu thông trên thị trường có nguy cơ gây hại sức khỏe, tính mạng con người.

Kiểm tra giảm (chỉ lấy mẫu đại diện để kiểm tra việc ghi nhãn, tính đồng nhất của lô hàng nhập khẩu về xuất xứ, số lô mà không phải kiểm nghiệm mẫu để đối chiếu với hồ sơ) được áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm đã có dấu hợp quy; thực phẩm cùng loại, cùng xuất xứ với mẫu chào hàng đã kiểm nghiệm đạt yêu cầu nhập khẩu...

Kiểm tra giảm chỉ kiểm tra hồ sơ là việc chỉ nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra, không lấy mẫu sản phẩm. Các lô hàng thuộc diện chỉ kiểm tra hồ sơ có thể được kiểm tra đột xuất bằng phương thức khác nếu thấy có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Phương thức này áp dụng đối với thực phẩm thuộc một trong các trường hợp: Thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc nước xuất khẩu chứng nhận có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam; các lô hàng cùng loại có cùng xuất xứ đã được kiểm tra 5 lần trước đó đạt yêu cầu nhập khẩu...

Các trường hợp còn lại sẽ áp dụng phương thức kiểm tra thông thường. Theo đó, cơ quan kiểm tra sẽ lấy mẫu xác suất (ngẫu nhiên) đủ để kiểm tra cảm quan và kiểm nghiệm một số chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Thông tư nêu rõ, sau khi kiểm tra, trường hợp lô hàng kiểm tra đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định, cơ quan kiểm tra nhà nước cấp Thông báo thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc cấp Thông báo thực phẩm chỉ kiểm tra hồ sơ.

Trường hợp lô hàng kiểm tra không đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định, trong vòng 5 ngày làm việc cơ quan kiểm tra nhà nước gửi phiếu kết quả thử nghiệm và Thông báo thực phẩm không đạt yêu cầu nhập khẩu cho chủ hàng và cơ quan Hải quan nơi hàng đến, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương kèm theo đề xuất biện pháp xử lý lô hàng.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2013.

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top