Công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trong sản xuất hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Việc bơm nước và dùng búa đập gia súc trước khi giết mổ là những hành vi không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm mà còn có biểu hiện của văn hóa ứng xử đang gây nhiều bức xúc với dư luận trong nước và quốc tế. Về vấn đề này, mặc dù Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn về quy trình giết mổ và xử lý các vi phạm trong hoạt động giết mổ vật nuôi (Nghị định 119/2013/NĐ-CP và Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT), nhưng kết quả chuyển biến trong thực tế rất chậm đang ảnh hưởng đến uy tín của ngành chăn nuôi nước ta.
Để hạn chế các bất cập trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương triển khai việc kiểm tra đánh giá tình trạng này trên địa bàn và có ngay các giải pháp kiểm soát cũng như hướng dẫn để các cơ sở giết mổ vật nuôi áp dụng quy trình giết mổ an toàn vệ sinh thực phẩm và đối xử nhân đạo với gia súc.
Kiểm tra 100% cơ sở giết mổ động vật loại C
Triển khai công tác trên, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện xác định lộ trình từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Thành phố cũng chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành thú y kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động giết mổ động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm về yêu cầu vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế dùng làm thực phẩm. Kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm liên quan tới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu bán lẻ sản phẩm động vật tươi sống tại các chợ ở khu vực đô thị và nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên ngành thú y địa phương tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ ở địa phương. Kiểm tra định kỳ các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn và tổ chức tái kiểm tra 100% cơ sở giết mổ động vật loại C (là những cơ sở không đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm).
Kiểm soát chặt ATVSTP tại các chợ
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã có kế hoạch xây dựng lộ trình từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo yêu cầu theo quy định; chỉ đạo UBND cấp xã, phường quản lý chặt chẽ việc chấp hành vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu bán lẻ tại các chợ của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người kinh doanh và người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chức năng.
Triển khai đồng bộ từ giết mổ, lưu thông, kinh doanh
Tỉnh Bình Thuận cũng đang từng bước xóa dần tình trạng giết mổ trái phép, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hình thành phát triển các khu giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh tại từng địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt triệt để các trường hợp vi phạm.
Nguồn: Chinhphu.vn
Bình luận