Tọa đàm trực tuyến về tiêm chủng mở rộng

Ngày đăng: 01/08/2013 - Lượt xem: 2594

Từ 9h 30 sáng nay, 2/8, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tiêm chủng mở rộng: Những vấn đề cần giải đáp”.

Trong thời gian gần đây những thông tin xoay quanh việc tiêm phòng vắc xin đã làm rất nhiều người dân hoang mang, nhất là các bà mẹ có con nhỏ. Để người dân hiểu rõ hơn về tiêm chủng mở rộng cũng như chất lượng vắc xin, cách sử dụng văc xin, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến với sự tham dự của các vị khách mời:

-  GS.TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chuyên gia cao cấp Bộ Y tế

- GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Trưởng Ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương.

- GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vắc xin và Sinh phẩm y tế.

- PGS. TS. Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

- Bác sĩ Kohei Toda, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi đến chương trình theo đường dây nóng 08048113 hoặc theo địa chỉ doithoai@chinhphu.vn

Cuộc tọa đàm được truyền hình trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, truyền hình trực tiếp trên kênh VTC 1, Truyền hình Kỹ thuật số.

Bà Quách Thị Minh Nguyệt (Tổ 3, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ- Thái Nguyên): Xin hỏi đại điện của Bộ y tế, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Với tư cách quản lí nhà nước và trách nhiệm chuyên môn thì xin Bộ Y tế giải thích tại sao lại đề nghị tiếp tục dùng vắc xin này? Tại sao lúc thì yêu cầu ngừng và lúc lại cho tiếp tục, khiến chúng tôi rất hoang mang. Xin cảm ơn.

GS.TS. Trịnh Quân Huấn: Ngày 30/7/2013, Thủ tướng đã có Quyết định cho phép Bộ Y tế được sử dụng lại vắc xin này. Cách đây 2 tháng, vắc xin này đã có một số vấn đề liên quan đến tai biến, sau khi có tai biến, Bộ Y tế nhanh chóng triển khai các hoạt động, đặc biệt là đã dừng vắc xin này. Vắc xin này là một trong những vắc xin được WHO khuyến cáo sử dụng trên toàn cầu, đây là vắc xin 5 trong 1, nghĩa là phòng được 5 bệnh mà chỉ cần tiêm 1 mũi. Vừa rồi có sự liên quan tới các trường hợp tử vong tới Quinvaxem khi tiêm. Chúng ta biết rằng, bất kỳ vắc xin hay thuốc nào, khi liên quan tới sự cố, sức khỏe con người thì phải dừng. Khi dừng, Bộ Y tế cũng nhanh chóng triển khai một loạt hoạt động liên quan đến lấy mẫu, liên quan tới thực hiện quy trình tiêm chủng, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát gửi mẫu đi nước ngoài.

Sau thời gian dài gửi mẫu tới các tổ chức quốc tế trong đó có sự giúp đỡ của WHO, các phòng xét nghiệm chuẩn của quốc tế ở Anh, Mỹ, Nhật Bản. Cuối cùng, việc xác định Quinvaxem là 1 trong những vắc xin an toàn- có nghĩa là được tiếp tục sử dụng. Theo Luật phòng chống bệnh  truyền nhiễm, cũng như Quyết định 23 của Bộ Y tế, khi vắc xin không phải là nguyên nhân chính trong liên quan tới tai biến, được sử dụng lại.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Việc thực hành tạm dừng lô vắc xin hay một loạt các vắc xin  là thực hành thông thường của tiêm chủng mở rộng không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Trước 1 sự cố nguy cơ đe dọa sức khỏe trẻ em thì vấn đề an toàn trước hết là việc tạm dừng lô đó để tiến hành điều tra xét nghiệm nguyên nhân. Sau khi điều tra xong, nếu không có sự cố, cho sử dụng lại. Thực tế, nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Bhutan, Sri Lanka… có nhiều phản ứng sau tiêm Quinvaxem  cũng đã áp dụng biện pháp này. Đây là biện pháp thận trọng và đảm bảo an toàn tối đa cho sức khỏe trẻ em.

Bạn Nguyễn Xuân Phong ở địa chỉ  hòm thư XuanPhongNguyen87@....com : Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai ở Việt Nam từ năm 1985, xin ông cho biết sau gần 30 năm thực hiện, những thành tựu nổi bật, cũng như những khó khăn trong việc thực hiện Chương trình đến thời điểm hiện nay?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985 với 6 loại vắc xin là: lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Năm 1997 chúng ta bổ sung thêm vắc xin viêm gan B, năm 2010 là vắc xin HIB phòng viêm màng não Nhật Bản và viêm phổi. Đồng thời, tại những vùng có nguy cơ cao chúng ta có bổ sung tiêm chủng vắc xin thương hàn, viêm não Nhật Bản.

Trong 28 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng đã chứng tỏ hiệu quả, qua việc chúng ta đã thanh  toán được các bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván, nhiều bệnh khác đã giảm đáng kể như sởi, viêm gan. Tình hình mắc sởi từ hàng trăm ngàn mắc mỗi năm vào trước năm 1985 đến nay chỉ còn vài chục ca mỗi năm; tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B từ 5% xuống 2% vào 2010. Đồng thời chúng ta cùng ít gặp các ca mắc bạch hầu, ho gà. Có thể nói tiêm chủng mở rộng là chương trình y tế có hiệu quả nhất ở VN hiện nay. Sau 28 năm thực hiện chương trình này, số trẻ được tiêm chủng dự phòng là 67 triệu trẻ, 42.000 trẻ thoát khỏi tử vong do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá VN là điểm sáng về tiêm chủng, sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần giảm chi phí điều trị, giảm nguy cơ tàn phế của trẻ em, qua đó giảm thời gian chăm sóc của bà mẹ, tăng sức khỏe, tăng hiệu suất làm việc của bà mẹ…

Về những thách thức đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, thứ nhất là do chúng ta đạt được nhiều thành tựu đáng kể nên đã có tâm lý chủ quan, thỏa mãn dẫn đến giảm đầu tư cho chương trình tiêm chủng, đây là sai lầm vì kinh nghiệm nhiều nước như Trung Quốc và một số nước ở châu Âu đã bùng phát trở lại bệnh bại liệt sau một thời gian kiềm chế thành công. Trong khi hiện nay việc lan truyền các căn bệnh có thể rất nhanh.

Gần đây có các phản ứng sau tiêm dẫn đến người dân hoang mang, cán bộ y tế lo ngại, giảm lòng tin nhất là các sự cố xảy ra ở Quảng Trị vừa qua.

Thách thức thứ hai là việc tiếp cận tiêm chủng khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi với những khó khăn về địa lý, văn hóa, kinh tế…

Thách thức thứ ba là nhu cầu của người dân ngày càng cao về chất lượng vắc xin, vắc xin thế hệ mới, vắc xin phối hợp… mà chúng ta còn có rất nhiều vắc xin có hiệu quả nhưng chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng như  vắc xin phòng chống Rotavirus; vắc xin chống viêm não mô cầu… Trong khi kinh phí đầu tư của nước ngoài đang giảm dần.

BTV: Xin bác sĩ Toda cho biết đánh giá của quốc tế đối với chương trình tiêm chủng 30 năm của Việt Nam?

BS Toda: Trên thế giới hàng năm có khoảng 130 triệu trẻ cần được tiêm chủng, trung bình có khoảng 1 triệu được tiêm chủng (80%) còn 20% chưa được bảo vệ.

Ở Việt Nam tỷ lệ này luôn duy trì ở mức độ cao. Tuy nhiên như GS Hiển đã trình bày Việt Nam còn có những khó khăn. Ví dụ, còn khoảng 10% trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn chưa được tiếp cận, bảo vệ bằng chương trình tiêm chủng. Đây là thách thức lớn đối với các bạn.

Nhưng phải công nhận chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã hết sức thành công, tỷ lệ bao phủ cao của chương trình là thành tựu quan trọng đáng khích lệ.

Trên bình diện toàn cầu, sự thành công của chương trình tiêm chủng không chỉ bảo vệ mà còn cứu sống được rất nhiều trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới tính trung bình có khoảng 2,5 triệu được cứu sống.

Ở Việt Nam, sau 30 năm có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ. Theo tính toán chương trình này cứu sống được khoảng 40.000 trẻ khỏi tử vong nếu không có chương trình tiêm chủng.

Do vậy, tổ chức y tế thế giới đánh giá rất cao nỗ lực chương trình tiêm chủng của các bạn.

Một bạn có địa chỉ hòm thư Quangđt@...com gửi thư về chương trình hỏi:

Tôi được biết là phần lớn vắc xin được nhập khẩu, vậy quy trình vận chuyển, nhập khẩu đến khâu phân phối đến từng vùng, nhất là vùng sâu, xa được thực thi như nào để không ảnh hưởng đến chất lượng của vắc xin khi tiêm cho trẻ?

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay, 10 trong 11 loại vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin sản xuất trong nước, chỉ có 1 loại vắc xin nhập từ nước ngoài là vắc xin có thành phần Hib liên quan đến vắc xin Quinvaxem.

Điều kiện quan trọng nhất là vắc xin được bảo quản trong đúng nhiệt độ 2-8 độ C trong mọi khâu của quá trình tiêm chủng. Chúng tôi gọi đó là dây chuyền lạnh, là dây chuyền mà nhiệt độ luôn ở 2-8 độ C, bằng mọi phương tiện ở các tuyến. Ví dụ, như vắc xin nhập từ nước ngoài hoặc từ công ty sản xuất phân phối đến các viện khu vực ở Việt Nam thì được vận chuyển bằng máy bay, được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Từ các viện khu vực, có nhà lạnh bảo quản vắc xin và chuyển vắc xin định kỳ 2 tháng 1 lần đến các tỉnh bằng các xe lạnh chuyên dụng. Tại tỉnh, cũng được bảo quản ở kho lạnh, hoặc tủ lạnh chuyên dụng, và định kỳ vắc xin được chuyển từ tỉnh xuống huyện trong các hòm lạnh bằng ô tô, xe máy. Từ huyện xuống xã, vắc xin được vận chuyển trong các hòm lạnh, phích lạnh và chỉ chuyển trong ngày tiêm chủng.

Vắc xin luôn được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, được theo dõi thông qua các chỉ thị nhiệt độ, nhiệt kế đóng băng, để vắc xin luôn giữ ở 2-8 độ C. Hàng ngày, ở nhiệt độ của các tủ lạnh ở các tuyến được theo dõi và vẽ trên biểu đồ nhiệt độ.

Gần đây, với sự hỗ trợ của Chính phủ Luxembourg, Nhật Bản, chương trình có hệ thống liên vận khá hoàn hảo từ trung ương đến khu vực, tuyến tỉnh, huyện. Nhiều xã khó khăn được trang bị tủ chuyên dụng. Chúng ta có các cán bộ được đào tạo bài bản về công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa dây chuyền lạnh này.

Có thể nói dây chuyền lạnh của Việt Nam được xây dựng khá bài bản, được duy trì tốt.

BTV: Xin hỏi thêm là phích lạnh chuyển từ xã xuống thôn, bản thì giữ được bao lâu?

GS. TS Nguyễn Trần Hiển: Phích lạnh chỉ dùng để chuyển từ huyện xuống xã. Chúng ta chỉ triển khai tiêm chủng tại trạm y tế xã, không chuyển vắc xin xuống thôn, bản. Thường thì vắc xin được giữ trong ngày, nếu để lâu thì sẽ thay phích lạnh đó để nhiệt độ luôn giữ ở mức phù hợp.

Trần Hiền Anh (thị trấn Tam Sơn, Huyện Quản Bạ, Hà Giang): Đã có lớp tập huấn chuyên biệt cho các bác sĩ, y tá về tiêm chủng hay chưa, thưa ông?

GS. TS Nguyễn Trần Hiển: Từ năm 2008, khi ban hành Quyết định 23 về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị, có một điều kiện cơ bản là về nhân sự, cán bộ phải được tập huấn và cấp chứng chỉ. Từ 2008-2010, toàn bộ 100% cán bộ tiêu chuẩn tại các tuyến đến tận xã đều được cấp chứng chỉ. Tuyến trung ương thì tập huấn, đào tạo cho tuyến khu vực và tuyến tỉnh, sau đó tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ cho tuyến huyện và tuyến xã.

 Bên cạnh đó, hàng năm do cán bộ y tế thay đổi thường xuyên, việc đào tạo lại, đào tạo mới rất quan trọng, chúng tôi duy trì hoạt động này, bảo đảm là cán bộ y tế luôn được đào tạo và cập nhật kiến thức và những cán bộ thay thế cũng được đào tạo.

Gần đây, chúng tôi tăng cường hơn nữa, không chỉ đào tạo về tiêm chủng an toàn mà đào tạo về mặt quản lý vắc xin, quản lý tiêm chủng, xác định điều tra đánh giá nguyên nhân phản ứng  sau tiêm và đáp ứng sau tiêm. Một loạt các lớp tập huấn luôn được triển khai ở các tuyến để đáp ứng được nhu cầu để đảm bảo tiêm chủng an toàn và chất lượng.

Bạn đọc Hoainga181993@...com: Vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin bại liệt uống do Việt Nam sản xuất là những vắc xin thế hệ cũ, tỉ lệ các phản ứng sau tiêm chủng cao, liệu chúng ta có động thái nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi uống hoặc tiêm những loại VX này không?

GS Nguyễn Đình Bảng: Vắc xin viêm não Nhật Bản và bại liệt là những vắc xin có tỷ lệ tai biến rất thấp chứ không phải như bạn nói. Đối với vắc xin viêm não do Việt Nam sản xuất 3-4 thập kỷ nay không những tai biến thấp mà có tác dụng bảo vệ cao, góp phần đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản ở VN. Ngoài ra, vắc xin viêm não Nhật Bản do chúng ta sản xuất còn xuất khẩu được 5 triệu liều trong những năm gần đây, còn vắc xin bại liệt hầu như không có tai biến, nhờ đó chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, là một trong những nước đầu tiên ở châu Á thanh toán được bệnh này.

BTV: Được biết là hiện nay chúng ta đã nghiên cứu ra vắc xin thế hệ mới nhưng vẫn chưa được đưa ra tiêm mở rộng, lý do của việc này là gì?

GS. Nguyễn Đình Bảng: VN rất cập nhật công nghệ sản xuất vắc xin của thế giới và đang có chủ trương sản xuất vắc xin theo công nghệ mới như vắc xin viêm gan B sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp AND, vắc xin bại liệt đang triển khai theo công nghệ tiêm… Tất cả những công nghệ này được Bộ Y tế, Bộ KHCN hoàn toàn được ủng hộ, có nhiều đề tài nghiên cứu sản xuất theo công nghệ mới…

Để có một vắc xin mới thì phải qua quá trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, tiêm thử người tình nguyện, đảm bảo an toàn thì mới cấp phép sản xuất quy mô lớn, để sử dung cho người dân. Quy trình này mất ít nhất 5 năm.

Hoàng Ngọc Anh (Tổ 6, phường Vân Cơ, Việt Trì): Ngân sách nhà nước cấp cho mua vắc xin mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, số còn lại là phải trông chờ vào viện trợ của quốc tế. Ngay cả với một số loại vắc xin thế hệ mới, dù Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhưng đang thiếu kinh phí để tiến hành thử nghiệm trên thực địa trước khi đưa vào tiêm cho trẻ. Ông có thể chia sẻ điều gì về thực tế này?

GS. TS. Nguyễn Đình Bảng: Tôi từng làm chủ tịch HĐKH cấp nhà nước về chương trình sản xuất vắc xin nên nắm kỹ vấn đề này. Tôi khẳng định, Bộ Y tế và Nhà nước hoàn toàn ủng hộ và đầu tư kinh phí khá nhiều để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất. Ví dụ, vắc xin viêm não được nhà nước hỗ trợ 6,5 tỷ đồng; chương trình sản xuất vắc xin bại liệt uống được Nhà nước cấp 10 tỷ đồng…

Nhà nước rất sẵn sàng, tuy nhiên kể từ khi được phê duyệt đến khi có được kinh phí nghiên cứu là cả một quá trình, không thể nhanh được. Các quy định rất chặt chẽ về tài chính, ngoài ra, về mặt cơ chế cũng có thể có nhiều vấn đề tạo ra sự chậm trễ này.

Tuy nhiên tôi tin rằng với sự ủng hộ của Bộ Y tế, Bộ KHCN, chậm một chút nhưng chắc chắn sắp tới chúng ta sẽ được sử dụng vắc xin mới để bảo vệ sức khỏe cho người Việt.

Bạn đọc tại địa chỉ duc_24112000@...com: Hiện Việt Nam vẫn đang sử dụng một số vắc xin thuộc thế hệ cũ như vắc xin ho gà toàn tế bào, vắc xin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột, hay vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem - loại vắc xin này ngay cả nước sản xuất là Hàn Quốc cũng đã không sử dụng. Xin hỏi tại sao những loại vắc xin trên vẫn được Bộ Y tế đưa vào sử dụng, dù đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng?

BS Toda: Xin cám ơn câu hỏi này trước tiên  tôi xin phép được làm rõ 1 điều là WHO chưa bao giờ khuyến nghị rằng không sử dụng vắc xin trong tiêm chủng viêm não Nhật bản B tại Việt Nam mặc dù nó được sản xuất dựa trên não chuột. Theo quan điểm của WHO thì vắc xin này hoàn toàn an toàn để sử dụng.

Có một điểm WHO lưu ý vì vắc xin này chưa được thẩm định và lưu hành bởi WHO, do đó UNICEF có thể chưa sẵn sàng để cung ứng loại vắc xin này. Một lần nữa tôi xin khẳng định rằng WHO không khuyến nghị trẻ không sử dụng vắc xin.

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển: Tôi ủng hộ ý kiến của BS Toda và điều mà BS Toda nói là hoàn toàn đúng là vắc xin viêm não ở VN vẫn đảm bảo độ an toàn khi tiêm và mang lại hiệu quả như đã nói trước đây.

Chỉ có điều việc sản xuất vắc xin viêm não từ não động vật thì bản thân tôi nghĩ và nhiều chuyên gia suy nghĩ là cần chuyển sang sản xuất từ tế bào vero. Hiện nay xu hướng chung của thế giới là họ đang thay thế những vắc xin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột bằng 3 loại vắc xin là vắc xin sản xuất từ tế bào vero - là loại vắc xin sống và 2 loại vắc xin khác.

BTV: Ông có thể giải thích rõ hơn về vắc xin toàn tế bào và vô bào được không?

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển: Có thể nói như thế này: Vắc xin vô bào và vắc xin ho gà toàn tế bào khác nhau về công nghệ sản xuất. Trong công nghệ sản xuất vắc xin ho gà toàn tế bào người ta sử dụng hoàn toàn tế bào của vi khuẩn ho gà để làm vắc xin còn vắc xin ho gà vô bào người ta chỉ lấy 3 đến 5 thành phần protein kháng nguyên của vỏ tế bào của con vi khuẩn ho gà để làm kháng nguyên. Và do công nghệ như vậy thì toàn bộ tế bào vi khuẩn ho gà chứa khoảng trên 3000 thành phần kháng nguyên. Có những thành phần kháng nguyên có tác dụng tạo ra kháng thể chống lại bệnh ho gà nhưng cũng có những cái không có tác dụng gì cả vì vậy khi đưa vào trong cơ thể nó gây ra nhiều loại phản ứng hơn so với các vắc xin ho gà vô bào.

BTV: Về kĩ thuật này thì GS Nguyễn Đình Bảng có ý kiến gì không?  

GS. Nguyễn Đình Bảng: Vắc xin toàn tế bào là vắc xin làm từ cả tế bào vi khuẩn. còn vắc xin vô bào là vắc xin làm từ thành phần kháng nguyên chiết xuất từ tế bào vi khuẩn chứ không phải làm từ cả tế bào.  Ví dụ, vắc xin phòng bệnh lao hoặc vắc xin ho gà là loại vắc xin toàn tế bào. Vắc xin vô bào ví dụ như vắc xin ho gà vô bào. Như vậy với ho gà thì có 2 loại vắc xin vô bào và vắc xin toàn tế bào.  

BTV: Vậy thì loại vắc xin nào tốt hơn?

GS. Nguyễn Đình Bảng: Về mặt khoa học thì vắc xin vô bào là vắc xin được sản xuất sau, là vắc xin tiên tiến hơn. Nếu sử dụng cả tế bào của vi khuẩn ho gà thì ngoài kháng nguyên ra còn có  thành phần cấu tạo tế bào vi khuẩn mà cái đó thì chúng ta không cần thiết đưa vào cơ thể.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Về tính an toàn của vắc xin thì vắc xin vô bào an toàn hơn theo nghĩa ít phản ứng phụ tại chỗ hơn chứ không phải an toàn hơn nghĩa là ít phản ứng nặng trầm trọng xảy ra hơn.

Trong khuyến cáo của Bộ Y tế, thế giới có đánh giá rất rõ cho dù vắc xin vô bào hay tế bào thì phản ứng nặng trầm trọng là như nhau. Và phản ứng chủ yếu ở đây với vắc xin toàn tế bào ở đây là tại chỗ đau, sưng, sốt, phản ứng nặng là tử vong thì gần như là rất thấp và tương đương với vắc xin vô bào. Điểm thứ 2 về mặt y học thì theo các nghiên cứu trên thế giới trong vấn đề xem xét lại vắc xin vô bào vì ở một số nước, vắc xin vô bào phản ứng thấp hơn so với vắc xin tế bào vì kháng nguyên không mạnh bằng sử dụng toàn bộ con vi khuẩn. Như vậy đáp ứng là sau khi tiêm vắc xin vô bào thấp hơn so với vắc xin toàn tế bào, thậm chí là tác động hẳn đến các vắc xin khác.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét lại việc tiêm vắc xin vô bào triển khai như thế nào, nếu giữ nguyên thì phải tiêm mũi nhắc lại bổ sung, để tăng tính miễn dịch. Trong khi đó tiêm vắc xin toàn tế bào thì không cần tiêm nhắc lại bổ sung. Dù sao thì vắc xin toàn tế bào cũng được WHO khuyến cáo sử dụng còn tùy vào tình hình kinh tế của mỗi nước.

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển cho biết thêm: Tiêm vắc xin nhằm làm gì? Là để nhằm có kháng thể bảo vệ thế thì về mặt tạo kháng thể bảo vệ thì vắc xin ho gà vô bào hay vắc xin ho gà toàn tế bào đều có kháng thể bảo vệ rất tốt. Do đó trong khi chúng ta chưa thay đổi gì về thế hệ vắc xin thì tôi xin khuyến cáo rằng chúng ta yên tâm dùng vắc xin ho gà hiện nay chúng ta đang có vì nó  tạo ra một thế thống miễn dịch bảo vệ rất tốt, hiệu quả thực tế trong quán trình mấy chục năm làm tiêm chủng. Chỉ có điều mấy phản ứng tại chỗ sốt, đau có nhiều hơn thì cán bộ y tế và bố mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ hơn.

Độc giả Lê Thụy Anh, địa chỉ số 9 ngõ 90 đường Bưởi Hà Nội: Từ tháng 7/2012 đến nay, có tới 13 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đây là một con số hết sức báo động. Xin ông cho biết, tới đây công tác thanh kiểm tra toàn diện các điểm tiêm ngừa trên toàn quốc sẽ được thực hiện như thế nào?

GS. TS. Nguyễn Trần Hiển: Công tác thanh kiểm tra quy trình tiêm chủng là quy định thường xuyên, được quy định trong Quyết định 23- việc thanh kiểm tra công tác tiêm chủng được tiến hành thường xuyên ở các tuyến. Trước tình hình phản ứng sau tiêm xảy ra năm 2012, gần đây là năm 2013, qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế, đoàn công tác làm việc với một số nơi xảy ra phản ứng sau tiêm, có phát hiện một số lỗi. Bộ Y tế thấy cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra công tác tiêm chủng ở các tuyến. Lần này, Bộ Y tế đề nghị thanh kiểm tra toàn diện theo 2 nghĩa phạm vi và nội dung. Thanh kiểm tra toàn bộ các quy trình liên quan tới tiêm chủng an toàn; thanh kiểm tra về nhân sự, có đủ điều kiện không, có được cấp chứng chỉ không; thanh kiểm tra về cơ sở vật chất có đủ điều kiện các buồng tiêm, bàn tiêm, trang thiết bị, hệ thống sổ sách, bảo quản vắc xin…; thanh kiểm tra tiếp theo là vấn đề tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và cấp phát vắc xin ở các tuyến; thanh kiểm tra tiếp theo là toàn bộ quy trình an toàn tiêm chủng thực hiện thế nào từ khâu chuẩn bị điểm tiêm đến tổ chức buổi tiêm chủng, khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, quy trình tiêm chủng, theo dõi sau tiêm 30 phút, tiến hành điều tra xác định nguyên nhân phản ứng sau tiêm sau đó.

Ở đây, phạm vi thứ 2 liên quan đến toàn diện là huy động toàn bộ hệ thống tham gia vào quá trình thanh tra. Bộ Y tế đưa ra các hướng dẫn chỉ đạo triển khai trên cả nước. Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra trong các cơ sở bệnh viện hiện nay, tăng cường năng lực cán bộ y tế trong phát hiện điều tra, điều trị sớm các ca phản ứng sau tiêm và xác định nguyên nhân. Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược tăng cường việc xét soát hồ sơ, cấp phép đăng ký, tiến hành kiểm tra kết hợp với thanh tra Bộ Y tế và quản lý việc xuất nhập khẩu, tạm dừng thậm chí đình chỉ vắc xin nếu cần thiết.

Ngoài ra, thanh tra Bộ Y tế kết hợp với các cục, vụ tham gia quá trình này. Ở tuyến khu vực và tỉnh, các viện vệ sinh dịch tế paster đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn cán bộ, giám sát kiểm tra triển khai quy trình tiêm chủng an toàn.

Gần đây, Bộ Y tế đã gửi công văn cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường chỉ đạo triển khai công tác an toàn tiêm chủng trong đó có thanh kiểm tra. Vì trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm có nói rõ chức  năng nhiệm vụ triển khai công tiêm chủng  ở các tuyến, các tỉnh là do chính quyền hay chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo các sở y tế, phòng y tế, thanh tra sở, phòng y tế kết hợp với các cơ quan liên quan… Tóm lại việc này tiến hành toàn diện ở các tuyến và đi sâu các khía cạnh đảm bảo an toàn tiêm chủng, phát hiện kịp thời các lỗi, phê bình, rút giấy phép, kiểm điểm nghiêm khắc các hành vi vi phạm.

BTV: Có thể nói, lực lượng thanh tra của chúng ta hùng hậu, vậy đã phát hiện vụ nào nghiêm trọng chưa?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Gần đây, trong thanh tra của Bộ Y tế kết hợp với các đơn vị, vụ, cục chức năng kiểm tra tại một số tỉnh, thấy quản lý tiêm chủng chưa tốt. Đặc biệt, là đoàn công tác của chúng tôi đi kiểm tra sự cố sau tiêm ở Quảng trị, phát hiện sai sót trong quản lý vắc xin, bảo quản vắc xin, quản lý tiêm chủng, triển khai tiêm chủng, thực hành tiêm chủng ở đó có vấn đề, không đúng quy định Bộ Y tế ban hành.

BTV: Ông có thể nói rõ hơn?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Vấn đề này đã được nêu rõ trong thông báo của Bộ Y tế về các nguyên nhân ban đầu, điều tra ban đầu về sự cố trường hợp 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị. Ở đây có việc bảo quản vắc xin không đúng quy định, nghĩa là không phải 1 tủ lạnh riêng biệt mà để lẫn các sinh phẩm khác. Phòng khám không phải tại nơi riêng biệt, tại khoa sản chẳng hạn. Vắc xin khi lấy ra, tiêm, quản lý thì không ghi sổ sách hàng ngày, sau tiêm không lưu giữ vỏ. Khi đi tiêm, lẽ ra trẻ được tiêm tại phòng tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút và có những phương tiện hồi sức cấp cức kịp thời mà lại tiêm tại bệnh phòng. Việc đó ảnh hưởng tới quy trình tiêm chủng.

BTV: Trước vụ việc 3 trẻ sơ sinh chết chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại Quảng Trị, rất nhiều người dân gửi thư đến chương trình với cùng một lo lắng, thắc mắc, tôi xin nêu lên câu hỏi chung cho gần 20 ý kiến tương tự được gửi đến chương trình:

- Vì sao sau vụ việc trên, Bộ Y tế vẫn chỉ đạo tiếp tục giữ chế độ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ cho trẻ sau sinh? Vậy việc tiêm vắc xin viêm gan B có an toàn hay không và có cần thiết phải tiêm ngay sau 24 giờ không? Xin Ông cho biết ý kiến?

- Đã có nhiều ý kiến nếu mẹ cháu bé không nhiễm viêm gan B thì việc tiêm phòng hoàn toàn có thể lùi lại. Xin các vị khách mời đưa ra quan điểm của mình.

GS.TS. Trịnh Quân Huấn: Vấn đề quan trọng là tất cả các loại vắc xin mà nhà xản xuất đưa ra phải qua rất nhiều nghiên cứu lâm sàng, có vắc xin chỉ 1 mũi có thể bảo vệ suốt đời nhưng có vắc xin cần phải qua 4 đến mũi tiêm, thời gian tiêm như vậy, khoảng cách giữa các mũi cũng có thể đến hàng năm… Ví dụ, khi bị chó dại cắn mà ở vùng đầu, mặt, cổ, gần não bộ, gần cơ quan thần kinh thì vi rút dại đến rất nhanh, muốn cứu người phải tiêm ngay kháng thanh dại và  vắc xin dại để đảm bảo vắc xin và huyết thanh vào nhanh, trung hòa và chiếm chỗ trong não bộ để vi rút dại không lây lan được.

Đối với vắc xin viêm gan B thì nhà sản xuất đã thử nghiệm rất nhiều đối với từng thời kỳ, các giai đoạn, cho nhiều đối tượng khác nhau và thấy rằng tiêm trong vòng 24 h đầu sau khi sinh đối với các bà mẹ có viêm gan B dương tính thì rất tốt, tỷ lệ trẻ mắc viêm gan sau đó rất thấp, thậm chí ở Mỹ người ta tiêm trong vòng 12 h chứ không phải 24 h. Như vậy việc tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 h đầu là bảo đảm cho lịch tiêm chủng ổn định, hoàn chỉnh, và Bộ Y tế cũng không đưa ra lịch này mà WHO khuyến cáo cần phải tiêm vắc xin này một cách như vậy.

Ở VN mỗi năm có 1,2 tiệu trẻ em mới sinh, trong số đó, tỷ lệ viêm gan B ở các đối tượng khác nhau là 16-20%, tức khoảng 80% các bà mẹ không mắc viêm gan B nhưng làm sao có thể xét nghiêm hết 1,2 triệu bà mẹ trước tiêm, nói cách khác những người mắc cần tiêm càng sớm càng tốt nhưng làm sao để phân biệt được số 80% không nhiễm và 20% nhiễm nếu thế phải xét nghiệm 100% thì rất tốn kém, không cần thiết, vì thế nên tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h sau sinh.

BTV: Tại các TP nhiều bà mẹ luôn đi làm xét nghiệm máu để biết nhóm máu, có nhiễm viên gan B, HIV hay không vậy những trẻ do những bà mẹ này sinh ra có cần tiêm vác xin viêm gan B hay không, sau bao lâu phải tiêm?

GS. TS Trịnh Quân Huấn: Những trẻ này có thể tiêm vắc xin viêm gan B tùy theo lịch tiêm chủng của địa phương, có thể sau 1 tuần hoặc theo lịch cụ thể, nhưng phải trong vòng 1 tháng.

Bạn Dạ Hương đang sống tại Đức (hươngtran221@...com) hỏi: Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin có thể xảy ra, nhưng cực kỳ hiếm. Ví dụ đối với vắc xin viêm gan B, cứ một triệu lần tiêm thì tỷ lệ sốc phản vệ chưa tới 1,1 lần. Nhưng chỉ trong 2 ngày 20 và 21/7 đã có 4 trẻ (3 trẻ ở Quảng Trị, 1 trẻ ở Bình Thuận) tử vong sau khi tiêm vắcxin này. Ông đánh giá sao về điều này?

GS. TS. Trịnh Quân Huấn: Vấn đề quan trọng ở chỗ chúng ta phải tìm nguyên nhân xảy ra khi có sự cố về vắc xin. Về cơ bản có 3 nguyên nhân chính là: do vắc xin; do quy trình tiêm chủng; do tỉ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi/1000 trẻ sống còn gọi là hội chứng đột tử của trẻ sơ sinh.

Theo thống kê của Tổng cục dân số năm 2012, tỷ lệ chết trẻ sơ sinh ở Việt Nam là 15,8/1000 trẻ sống. Tính cụ thể mỗi ngày có tới 50 trẻ sơ sinh đột tử không rõ nguyên nhân.

Ở Mỹ người ta tính năm 2010 tỷ lệ này ở Mỹ là 6,5/1000; 2011 là 6,4/1000.

Như vậy, bình thường trẻ tử vong ở Việt Nam mỗi ngày 50 trẻ, tỷ lệ  hay tần suất tử vong trùng hợp với tiêm vắc xin là rất lớn.

Ở Mỹ từ 1991 – 1998 tiêm 86 triệu liều vắc xin viên gan B có 17 trường hợp tử vong sau tiêm. Tất cả 17 trường hợp mổ tử thi đều do hội chứng đột tử chứ không phải do vắc xin.

Hiện nay chúng ta tìm nguyên nhân xảy ra sự cố ở Bình Thuận và Quảng trị, Hội đồng tìm hiểu đánh giá thấy nguyên nhân đột tử là không phải, còn lại 2 nguyên nhân do vắc xin hoặc do quy trình tiêm chủng.

Quy trình tiêm chủng Bộ Y tế đã ban hành, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2008 và những văn bản khác đã quy định cụ thể, đầy đủ về quy trình tiêm chủng.

Việc Bộ Y tế chuyển điều tra xác định nguyên nhân do quy trình hay do vắc xin sang Bộ Công an, theo tôi nhận định là đúng.

Vì Bộ Y tế là cơ quan vừa sử dụng vắc xin, bảo quản, triển khai các hoạt động về vắc xin, thành lập hội đồng đánh giá tai biến vắc xin... nên nhiều người cho rằng vừa “đá bóng vừa thổi còi”… Ngoài ra, với chuyên môn tìm hiểu kỹ năng điều tra giám sát nghiệp vụ, Bộ CA làm là hoàn toàn chính xác.

Chính vì thế, đây là một trong những việc làm cần được công khai, minh bạch, vì sức khỏe trẻ em phải làm rất rõ cho toàn dân biết.

Tôi cũng nghi ngờ rằng không có vắc xin nào làm 3 trẻ tử vong một lúc, cùng triệu chứng, cùng một địa điểm tiêm, với 2 lô vắc xin khác nhau… nên tôi cho rằng cần chuyển điều tra cho minh bạch hơn.

Bạn đọc tại địa chỉ lientintuc@...com hỏi: Thưa Giáo sư, nếu 3 trẻ tử vong sau tiêm chủng ở Quảng Trị do tiêm nhầm thuốc nguy cơ này là có thể xảy ra do vắc xin viêm gan B đã để lẫn với sinh phẩm khác thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm cán bộ tiêm chủng, cán bộ phụ trách khoa sản, đại diện bệnh viện, cán bộ y tế dự phòng có trách nhiệm giám sát quản lý vắc xin và việc đền bù cho các gia đình nạn nhân sẽ được thực hiện như thế nào?

GS.TS Trịnh Quân Huấn: Đây là một vấn đề tôi cho rằng rất lớn và chúng ta đã có Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.  Điều 30 từ khoản 1 đến khoản 6 trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nêu rất cụ thể trách nhiệm của từng người trong vấn đề liên quan đến tai biến tiêm chủng trong trường họp này nếu như do vắc xin thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, nếu do quy trình tiêm chủng do nhầm thuốc như câu hỏi thì đã có trong quy định theo khoản 4, 5, 6 của điều 30 trong Luật Phòng chống bệnh trẻ em.

BTV: Như vậy theo cách ông vừa giải thích thì Chủ tịch UBND tỉnh tại nơi đó sẽ chịu trách nhiệm trong quá trình về triển khai tiêm chủng sẽ có liên đới trong chuyện này nếu như xác định là do nhầm thuốc?

GS. TS Trịnh Quân Huấn: Đúng. Trong điều 30 lại nói có liên quan đến cả 4 cấp. Thứ nhất là Chính phủ phải chịu trách nhiệm cung cấp nguồn ngân sách đủ cho công tác tiêm chủng. Thứ 2, Bộ trưởng Bộ y tế phải chịu trách nhiệm về tất cả các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phải chịu trách nhiệm về tổ chức tư vấn triển khai hoạt động tiêm chủng. Và thứ 3 là trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo cụ thể triển khai hoạt động tiêm chủng tại địa phương.

Thu Hằng (Bảo hiểm Bảo Việt): Bộ Y tế vừa có thông báo tạm ngừng trên toàn quốc việc tiêm hai lô vắc xin phòng viêm gan B liên quan đến vụ ba trẻ sơ sinh bị tử vong tại Quảng Trị. Xin ông cho biết hiện nay quy trình bảo quản, lưu trữ cũng như quản lý lượng chất vắcxin đang được thực hiện như thế nào, và nếu xác định được lô vắcxin trên là an toàn và đem vào tái sử dụng thì liệu có còn đảm bảo được chất lượng?

GS.TS Trịnh Quân Huấn: Nếu muốn biết có còn hiệu lực hay không thì 2 lô ấy phải kiểm tra đầy đủ. Tất nhiên, Viện kiểm định quốc gia phải xem lại cũng như chúng ta đã gửi các lô vắc xin ra nước ngoài để kiểm soát xem có còn hiệu lực không, có an toàn không.

Trong trường hợp xác định lô ấy vẫn an toàn, vẫn có hiệu lực thì chúng ta vẫn có thể tiêm lại.

Một người dân ở Đồng Nai có chia sẻ: Tôi phát khóc khi nghe mọi người bảo “Tiếc gì một chút tiền, nhỡ con làm sao lại ân hận cả đời”. Rồi vắc xin mà miễn phí, chất lượng có đảm bảo không, bảo quản có tốt không? Vài trăm nghìn tiêu thì cũng hết…và cuối cùng, tôi đã đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ.

Vậy câu hỏi đặt ra cho các vị khách mời là: Gần đây đã có một số những tai biến và sai sót trong tiêm chủng, nhiều người lo ngại rằng tiêm phòng mở rộng của Nhà nước sẽ nhiều nguy cơ hơn là tiêm dịch vụ. Điều này có thực sự đúng?

GS. Nguyễn Đình Bảng: Tôi cho rằng câu hỏi khán giả nêu lên là rất thực tế. Bởi vì, trên thực tế, một số bà mẹ đã đưa các cháu đến tiêm dịch vụ. Chúng ta không có lý do gì để trách các bà mẹ, bởi đó là sự lựa chọn tự nguyện của các bà mẹ.

Thế nhưng, nói rằng, vắc xin tiêm dịch vụ thì ít tai biến hơn vắc xin tiêm chủng mở rộng, thì tôi thấy rằng, là chưa đúng mức, chưa có cơ sở.

Để có thể so sánh được vắc xin tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng, loại vắc xin nào gây ra ít hoặc nhiều biến chứng hơn vắc xin kia thì cần điều tra trên phương pháp khoa học thật sự.

Để so sánh 2 vắc xin, so sánh 2 mảng tiêm chủng dịch vụ- mở rộng thì phải có nghiên cứu điều tra. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào, kết luận vắc xin nào ít biến chứng hơn vắc xin kia. Do vậy, tôi nghĩ rằng các bà mẹ hãy yên tâm là phải đưa các cháu đến, phải lựa chọn cho các cháu tiêm được vắc xin ở những nơi nào phù hợp với mình.  

Tôi nghĩ rằng, dù là vắc xin tiêm dịch vụ thì vẫn nằm trong sự kiểm soát của Bộ Y tế và các cơ sở tiêm dịch vụ vẫn là các cơ sở y tế và vẫn thực hiện quy trình nghiêm ngặt về tiêm chủng như đối với vắc xin tiêm chủng mở rộng, chứ không có sự khác biệt nào hết. Tiêm dịch vụ thì phải trả tiền, còn tiêm chủng mở rộng thì không phải trả tiền, còn chất lượng vắc xin, theo tôi, là không khác biệt.

Tuyết Nga (ngõ 41, An Dương Vương, Phú Thượng, Hà Nội): Hiện nay tại nhiều nơi vẫn tồn tại chuyện nhân viên y tế phường xã mang vắc xin đến tận nhà tiêm cho trẻ vì họ sẽ có thêm chi phí dịch vụ, khách hàng thì không phải ra ngoài nắng gió, không phải chờ đợi. Tuy nhiên vắc xin rất dễ bị hỏng, biến chất do ảnh hưởng tác động của môi trường, khi đó vắc xin sẽ không còn tác dụng và có thể gây hậu quả khôn lường. Xin ông cho biết biện pháp quản lý những trường hợp trên đã được thực hiện như thế nào? Và có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh khi họ cho con em mình tiêm chủng tại nhà?

PGS. TS Đỗ Sỹ Hiển: Nếu có hiện tượng mang vắc xin đến nhà tiêm là việc làm sai trái, theo quy định Thông tư 23 của Bộ Y tế năm 2008 thì chương trình tiêm chủng phải được triển khai ở điểm tiêm cố định, trạm y tế xã phương, trung tâm y tế quận, huyện… có đủ điều kiện cơ sở vật chất, năng lực đào tạo, các phương tiện khác… Thứ hai tiêm chủng ngoài trạm y tế chỉ áp dụng trong những chiến dịch tiêm chủng lớn, hoặc ở vùng thực sự khó khăn thì phải có một đội tiêm chủng, có đầy đủ nhân lực để triển khai.

Thứ hai khi mang vắc xin đến nhà có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng, tôi muốn nói nhiệt độ chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin, chứ không ảnh hưởng đến an toàn tiêm chủng. Còn ảnh hưởng đến an toàn tiêm chủng chủ yếu là gây phản ứng tại chỗ có thể gây áp xe hoặc phản ứng không tốt cho trẻ. Còn để hạn chế thì phải tăng cường kiểm tra, nâng cao ý thức, nhận thức của nhân viên y tế các tuyến để thực hiện đúng Thông tư 23. Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên đưa con đến tiêm chủng tại trung tâm chứ không nên tiêm tại nhà.

Lê Thị Thiêm (đường Phù đổng Thiên Vương, Đà Lạt): Trong tất cả các quyết định, thông tư liên quan tới tiêm chủng mở rộng, đều có một quy định yêu cầu phải khám phân loại trẻ trước khi tiêm. Tuy nhiên trong thực tiễn, hầu hết các nhân viên tiêm chủng chỉ có trình độ y tá, không đủ khả năng khám phân loại trước khi tiêm chủng, điều này là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay. Xin ông cho biết ý kiến?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Khám phân loại trẻ trước khi tiêm bao gồm sàng lọc là hỏi tiền sử và các thông tin liên quan đến trẻ, trẻ lúc sinh đủ hay thiếu tháng, cân nặng bao nhiêu, diễn biến sức  khỏe trước khi tiêm, có bệnh tật gì không, thậm chí sức khỏe của cha mẹ.. ngoài ra cần xem phiếu tiêm chủng, phản ứng sau tiêm, có phản ứng đặc biệt hay không… Thứ hai quan sát thể trạng của trẻ trước khi tiêm, có sốt hay không, có bị viêm nhiễm hay không. Dựa trên quan sát thì đưa ra chỉ định phù hợp nếu trẻ đang sốt thì hoãn tiêm, hoặc đang bị nhiễm trùng, phản ứng mạnh đối với vắc xin ở mũi tiêm trước đó, hoặc có chống chỉ định thì không tiêm…

Gần đây Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác tiêm chủng an toàn, bố trí buổi tiêm chủng tối đa 50 trẻ, giãn thêm số ngày tiêm để đảm bảo có điều kiện khám sáng lọc trẻ, phát hiện vấn đề về sức khỏe của trẻ trước khi tiêm; tăng cường cán bộ chuyên môn xuống tuyến xã ở những nơi trình độ cán bộ yếu, tăng cường cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị kịp thời cấp cứu cho trẻ khi xảy ra sự cố…

còn tiếp...

 

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top