Thông tin liên quan đến việc sử dụng Salbutamol, Clenbuterol

Ngày đăng: 28/03/2012 - Lượt xem: 7116

Thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về hoạt chất Salbutamol, Clenbuterol bị lạm dụng trong thức ăn chăn nuôi để tạo nạc heo siêu nạc và có quan điểm cho rằng các hoạt chất Salbutamol, Clenbuterol là chất độc hại bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng lại được ngành y tế cho phép sử dụng. Các thông tin này đã gây hiểu nhầm, hoang mang cho người dân. Để làm rõ vấn đề, Cục Quản lý dược đã có ý kiến như sau:

Salbutamol là một thuốc thuộc nhóm kích thích thụ thể beta2 giao cảm, có tác dụng chọn lọc kích thích các thụ thể beta­­­­2 (có ở cơ trơn phế quản, cơ trơn tử cung, cơ trơn mạch máu) và ít tác dụng tới các thụ thể beta1 trên cơ tim nên có tác dụng làm giãn phế quản, giảm cơn co tử cung và ít tác dụng trên tim. Thuốc được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với các chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang. Trong sản khoa thuốc sử dụng với chỉ định trong chuyển dạ sớm khi không có biến chứng và xảy ra ở tuần thứ 24-33 của thai kỳ, làm chậm thời gian sinh, có tác dụng đối với sự phát triển của phôi thai nhi.

Clenbuterol cũng là thuốc thuộc nhóm kích thích thụ thể beta2 giao cảm, có tác dụng tương tự Salbutamol. Thuốc được sử dụng như một chất giãn phế quản trong điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị hen và sử dụng ở bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế, Salbutamol và Clenbuterol là thuốc kê đơn, sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ và bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng, thời gian điều trị của bác sĩ. Nếu tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị theo chỉ định của thầy thuốc thì sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân. Tại Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 17 của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra năm 2011, Salbutamol vẫn có mặt để điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Như vậy, trong ngành y tế Salbutamol và Clenbuterol là thuốc, việc sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối và sử dụng đã được quy định chặt chẽ tại các văn bản pháp luật về lĩnh vực dược như Luật Dược, Nghị định 79/2006/NĐ-CP quyết định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược…v.v

Còn trong ngành thú y, tại Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Salbutamol và Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Cục Quản lý dược xin gửi ý kiến trên đây để các Báo, Đài có thêm thông tin tham khảo và có cơ sở khi thông tin đến người dân, để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành chức năng.

            Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý đơn vị./.

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top