Thông tin liên quan đến việc phát hiện sinh vật lạ nghi là đỉa trong sản phẩm Snack yoyo, sữa

Ngày đăng: 11/10/2012 - Lượt xem: 7040

Trong thời qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc phát hiện sinh vật lạ nghi là đỉa trong sản phẩm Snack yoyo, sữa...

Trước tình hình trên, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương nơi có nguồn tin tiến hành kiểm tra, xác minh. Đồng thời, Cục ATVSTP đã trao đổi trực tiếp và thu thập ý kiến từ một số nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để đưa ra nhận xét, kết luận. Cục ATVSTP thông báo đến các Chi cục ATVSTP tỉnh, thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng biết, cụ thể như sau:

1. Về thông tin: Phát hiện sản phẩm Snack Oishi có sinh vật lạ nghi là đỉa:

          Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 6/10/2012 sau khi có thông tin về bánh Oishi yoyo trong nước phát hiện có sinh vật lạ nghi là đỉa tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục ATVSTP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành kiểm tra, xác minh và lấy mẫu kiểm nghiệm, kết quả ghi nhận:

a) Tên sản phẩm, nhà sản xuất, địa chỉ: Sản phẩm này có tên là Yoyo hay còn gọi là Snack yoyo của Công ty cổ phần thực phẩm sạch HTT Hà Nội, địa chỉ tại Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội. Đặc điểm bao gói, nhãn mác: Sản phẩm Snack  yoyo của Công ty cổ phần thực phẩm sạch HTT Hà Nội có bao gói, có nhãn. Nhãn sản phẩm ghi đầy đủ các thông tin theo quy định. Lô sản xuất ghi ngày 12/9/2012; hạn sử dụng 6 tháng.

b) Kết quả xét nghiệm: Xét nghiệm các mẫu Snack yoyo của Công ty cổ phần thực phẩm sạch HTT Hà Nội đang lưu hành trên thị trường tỉnh Thừa thiên Huế do cơ quan chức năng lấy sau đó được ngâm trong nước sạch, dụng cụ sạch 2 ngày, đêm (tương tự như cách làm trước đó mà phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin), ghi nhận:

  • Không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng, đỉa trong mẫu bánh Yoyo.
  • Không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng, đỉa trong mẫu nước ngâm bánh Yoyo.

c) Sản phẩm snack yoyo của Công ty cổ phẩn thực phẩm sạch HTT Hà Nội không phải là sản phẩm snack oishi của Công ty Liwaway. Một số thông tin trên báo chí và mạng đã nhầm lẫn điều này do ở Thừa Thiên Huế, người dân vẫn quen dùng từ ”oshi” để chỉ các loại snack nói chung nên khi nói đến snack yoyo họ thường nói là oshi yoyo dẫn đến hiểu lầm là sản phẩm sack oishi của Công ty Liwayway.

d) Sản phẩm snack oishi của Công ty Liwaway được sản xuất theo qui trình khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm và phù hợp với công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

2. Về thông tin: Phát hiện sản phẩm sữa có sinh vật lạ nghi là đỉa:

          Sau khi phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc sản  phẩm sữa có đỉa, Cục ATVSTP đã trao đổi trực tiếp và thu thập ý kiến của một số nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, kết quả nghiên cứu và tổng hợp các ý kiến về vấn đề này như sau:

          a) Với quy trình nghiêm ngặt, khép kín, các sản phẩm sữa được xử lý ở nhiệt độ trên 140Cc sẽ không có sinh vật tồn tại, bao gồm cả đỉa, côn trùng, ký sinh trùng.

b) Các sản phẩm thực phẩm khi đã được công bố tiêu chuẩn sản phẩm/công bố hợp quy phù hợp quy định an toàn thực phẩm; nhà sản xuất tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển; người tiêu dùng bảo quản, sử dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất sẽ không có môi trường cho vi sinh vật thâm nhập, tồn tại, phát triển.

Trường hợp sản xuất, bảo quản, vận chuyển không đúng quy trình hoặc tiêu dùng không đúng hướng dẫn hoặc sản xuất, bảo quản, vận chuyển đã thực hiện đúng quy trình nhưng tiêu dùng và bảo quản trong quá trình tiêu dùng không đúng hướng dẫn sẽ có thể có sản phẩm bị vỡ, thủng tạo môi trường cho vi sinh vật thâm nhập, phát triển gây ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn của sản phẩm.

Trên đây là ý kiến của Cục ATVSTP trước những thông tin liên quan đến việc phát hiện sinh vật lạ nghi là đỉa trong sản phẩm Snack yoyo, sữa. Cục ATVSTP thông báo để các Chi cục ATVSTP biết và đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp sai phạm hoặc các sự cố an toàn thực phẩm (nếu có). Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm để các doanh nghiệp và người dân biết, hiểu đúng về vấn đề nêu trên, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, đồng thời gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất.

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top