Tẩy chay thực phẩm bẩn như thế nào?

Ngày đăng: 14/04/2016 - Lượt xem: 9171

Kiểm soát Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện còn nhiều bất cập, tuy nhiên, vẫn có cách để đầy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống. Đó chính là các động thái tẩy chay thực phẩm bẩn của người tiêu dùng. Đây chính là áp lực lớn nhất cho người sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý trong việc xóa bỏ triệt để thực phẩm bẩn.

Công khai thực phẩm bẩn

Trên nhiều trang mạng xã hội, hiện nay chủ đề thực phẩm bẩn được mọi người rất quan tâm, theo dõi và bình luận. Mỗi đồ ăn, thức uống hoặc câu chuyện về thực phẩm mất vệ sinh, không bảo đảm chất lượng đều được người dùng nêu lên trên các trang mạng thì sẽ tạo được sự lan tỏa nhất định.

Nếu thực sự mỗi người dùng các trang mạng muốn chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn thì việc đưa thông tin cũng cần có những yếu tố cụ thể để giúp nhiều người nhận biết, thậm chí là cơ sở để các cơ quan chức năng điều tra ra những nơi sản xuất thực phẩm kém chất lượng. Muốn vậy, việc công khai vi phạm của mỗi người cần hướng vào các thông tin như: Sản phẩm gì, mua ở đâu, thời gian bảo quản và chế biến ra sao... chứ không đơn thuần là những hình ảnh về thực phẩm bẩn với những lời than như “Ăn gì để khỏi chết bây giờ mọi người ơi?”...

Tạo thói quen truy xuất nguồn gốc

Các nhà quản lý hiện nay đang cố gắng hướng các thực phẩm được làm ra là sản phẩm cuối cùng của một chuỗi sản xuất. Có nghĩa là mỗi gói chè, gói xúc xích hay mớ rau, lạng thịt có dán nhãn chứng nhận thực phẩm sạch (thường có nhãn Global GAP, Viet GAP...) thì khả năng truy xuất được về địa phương sản xuất rất lớn. Nếu mỗi người tiêu dùng đều có thói quen mua hàng có tem nhãn và tìm hiểu thông tin về tem nhãn đó thì nguy cơ mua phải thực phẩm bẩn sẽ giảm thiểu. Một số tiêu chuẩn về thực phẩm sạch hiện nay khá phổ biến trên thị trường như sau:

Tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices) - Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt: Đây là tiêu chuẩn chỉ ra các quá trình thực hành canh tác chế biến tại trang trại hướng tới sự bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội và kết quả là an toàn và chất lượng của thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp không phải là thực phẩm.

Mỗi quốc gia thường có một bộ tiêu chuẩn, nguyên lý và quy định thực hiện GAP khác nhau. Của Việt Nam gọi là VietGAP còn của khu vực châu Âu được đưa lên thành GlobalGAP. Đây là hai tiêu chuẩn GAP được dùng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.

Khi tham gia các tiêu chuẩn này, người làm nông nghiệp phải chấp nhận một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt quá trình sản xuất của họ, từ lúc chuẩn bị chuồng trại, đất, hạt giống, dụng cụ… cho đến lúc thu hoạch và đóng gói.

Tiêu chuẩn ISO 14001 - Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường: ISO 14001 được xây dựng nhằm tạo ra một hệ thống quản lý để giúp các tổ chức giảm bớt những tác động tiêu cực của mình tới môi trường. Tiêu chuẩn này cung cấp một khung chuẩn cho các tổ chức nhằm chứng minh những cam kết của mình về các vấn đề môi trường.

Tiêu chuẩn ISO 14001 được áp dụng rộng rãi cho mọi công ty, tổ chức, nhà sản xuất trên toàn thế giới. Đối với thực phẩm thì đây không hẳn là một tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng mà chỉ chứng nhận nơi sản xuất thực phẩm đó thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường mà thôi.

Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ: Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ liên quan đến việc tư liệu sản xuất và nguyên liệu sản xuất của toàn bộ hệ thống canh tác phải là các sản phẩm hữu cơ. Tiêu chuẩn này giúp loại bỏ các loại cây, con giống biến đổi gene và các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn hóa học. Trên thế giới hiện nay có 3 tiêu chuẩn hữu cơ khó nhất là USDA Organic của Cục Nông nghiệp Mỹ, EU Organic Farming của Liên minh châu Âu và Organic JAS của Nhật Bản. Theo đó, các quy định của Mỹ và châu Âu chỉ chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ với các sản phẩm có thành phần hữu cơ trên 97%.

Số điện thoại đường dây nóng 1900 58 58 26

Đây là đường dây nóng về an toàn thực phẩm của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Đường dây này được tổ chức để tiếp nhận, xử lý và sử dụng các tin báo của tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi và các thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đây sẽ là nơi cung cấp nguồn tin để các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời có biện pháp tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Đường dây nóng này bảo đảm giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh của tổ chức, cá nhân báo tin cũng như bảo đảm bí mật thông tin của cơ quan quản lý nhà nước; không sử dụng, lợi dụng đường dây nóng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đường dây nóng cũng sẽ hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày.

Tương tự như hoạt động của đường dây nóng này, người dân khi phát hiện dấu hiệu và vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể gọi số máy 08042526 hoặc 0917.808.113, là số điện thoại của Thanh tra Bộ NN&PTNT. Người dân cung cấp thông tin, tố giác vi phạm chính xác sẽ được nhận mức thưởng 2 triệu đồng.

Theo: Đỗ Hương- baochinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,368,596
Trong tháng
400,546
Hôm nay
52,871
Đang Online
702