Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa Lễ hội Xuân Bính Thân 2016

Ngày đăng: 17/02/2016 - Lượt xem: 10807

Trước và trong Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) đã được các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã góp phần phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Hiện nay đang là thời điểm sôi động của mùa Lễ hội Xuân 2016, nguy cơ mất ATTP và xảy ra sự cố ATTP được dự báo sẽ diễn biến phức tạp ở tất cả các khâu của chuỗi thực phẩm, dịch vụ ăn uống và ở tất cả các địa phương như: Ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn đông người của lễ hội, đám cưới/đám giỗ, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, NĐTP do vi khuẩn và độc tố, độc tố cá nóc, cóc, nấm độc, cây rừng...; việc gia tăng tình trạng ô nhiễm thực phẩm do kinh doanh thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc, nhập lậu, không an toàn, không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống ... Nguyên nhân chính là do ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP của cộng đồng chưa cao, đặc biệt là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn bảo đảm ATTP chưa nghiêm, chưa tự giác và còn gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dễ dãi trong lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

Thực hiện Công điện của thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP có hiệu quả trong mùa Lễ hội Xuân Bính Thân 2016, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp sau:

1. Tổ chức triển khai các công tác bảo đảm ATTP, phòng chống  NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm cho địa phương theo Kế hoạch số 1066/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 30/11/2015 của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung vào công tác quản lý, chỉ đạo; thông tin tuyên truyền giáo dục; thanh tra liên ngành về ATTP; giám sát phát hiện sớm ca NĐTP trong cộng đồng; điều tra, xử lý khắc phục vụ NĐTP; bảo đảm vật tư, hóa chất, phương tiện phòng chống vụ NĐTP. Đề nghị Ban tổ chức Lễ hội, Ủy ban nhân dân địa phương quy hoạch địa điểm, bố trí nguồn nước sạch, hệ thống nước sạch, thu gom, xử lý rác thải, nước thải bảo đảm an toàn phục vụ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội.

2. Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức, triển khai thông tin, tuyên truyền, giáo dục bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP, đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo đảm ATTP trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Chú trọng các biện pháp vệ sinh ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm; chỉ sử dụng nước sạch và nguyên liệu thực phẩm an toàn để chế biến; bảo quản thực phẩm an toàn; chỉ ăn thực phẩm đã được nấu chín, uống nước đã sôi; tuyệt đối không ăn tiết canh, thức ăn sống, thức ăn tái; bảo đảm vệ sinh cá nhân.

3. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, rộng khắp công tác thanh tra liên ngành về việc chấp hành các quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ lễ hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng.

4. Tổ chức, chỉ đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, các cơ sở điều trị, các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động giám sát ca NĐTP, các bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm để phát hiện sớm và dự phòng NĐTP trong cộng đồng. Chuẩn bị phương án, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất và lực lư­ợng thường trực sẵn sàng điều tra sớm vụ NĐTP (theo Quyết định số 39/2006/QĐ – BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế), truy xuất nguồn gốc thực phẩm ô nhiễm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và triển khai kịp thời các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ NĐTP, các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra. Thực hiện báo cáo theo quy định khi có vụ ngộ độc thực phẩm hoặc ca bệnh truyền qua thực phẩm theo các quy định ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-BYT ngày 09/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế.

VFA

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,368,774
Trong tháng
400,724
Hôm nay
53,049
Đang Online
692