Những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, xu thế “mở cửa”, toàn cầu hóa đã làm thay đổi cơ bản tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh những lợi ích mà toàn cầu hóa đem lại là tự do thương mại, cạnh tranh lành mạnh về chất lượng, giá cả... mặt trái của nó cũng là những vấn đề làm cho các nước phải đối phó kịch liệt. Tình hình sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu, sự lạm dụng hóa chất trong các sản phẩm nuôi trồng và phụ gia không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tiêu dùng không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người mà còn làm ảnh hưởng đến thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế và quan hệ quốc tế.
Từ năm 1995 trở về trước, công tác quản lý an toàn thực phẩm được phân công cho nhiều Bộ: Bộ Khoa học và Công nghệ (Ủy ban Khoa học Nhà nước trước đây) được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa, trong đó có thực phẩm. Bộ Y tế quản lý vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại đồ uống, phụ gia chế biến thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vệ sinh thú y, kiểm dịch động thực vật, chăn nuôi, trồng trọt. Bộ Thủy sản quản lý chất lượng thú y, thủy sản.
Ngày 08/12/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/NĐ-CP phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa, trong đó giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm với lý do: tồn tại sự chồng chéo, bỏ sót trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành là do sự phân biệt các khái niệm chưa thống nhất, rõ ràng; Chất lượng thực phẩm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhưng vấn đề vệ sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và lâu dài đến chất lượng giống nòi. Căn cứ theo văn bản này Bộ Y tế phân công Vụ Y tế dự phòng là cơ quan đầu mối giúp Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn và xu thế chung của thế giới về mô hình cơ quan quản lý, chúng ta cần thiết phải có một cơ quan chuyên nghiệp có đủ năng lực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm. Sau Nghị định 86 nói trên, Bộ Y tế đã giao cho Viện Dinh dưỡng Quốc gia (trực tiếp là Phó Viện trưởng Phan Thị Kim làm chủ nhiệm đề án) chủ động phối hợp với Viện Chiến lược phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Sau 8 tháng chuẩn bị, đến năm 1997, đề án đã được Bộ Y tế phê duyệt, với nội dung gồm 9 Dự án về khảo sát tình hình trang thiết bị, năng lực kiểm nghiệm ở 53 Trung tâm Y tế dự phòng, 7 vùng sinh thái trong và ngoài ngành Y tế.
Tuy nhiên , trước đòi hỏi của thực tiễn và xu thế chung của thế giới về mô hình cơ quan quản lý, chúng ta phải có 1 cơ quan chuyên biệt có đủ năng lực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP. Đến tháng 4 năm 1998, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng Đề án thành lập một cơ quan quản lý thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Cuối tháng 4 năm 1998, Bộ Y tế đã triệu tập cuộc họp do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thưởng chủ trì với thành phần gồm đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Y tế dự phòng, Viện Dinh dưỡng quốc gia và các bộ phận liên quan khác để triển khai chỉ đạo của Chính phủ. Sau cuộc họp này, Vụ Tổ chức cán bộ được giao là đầu mối (trực tiếp là BS. Đặng Quốc Việt, sau thay thế là BS. Nguyễn Đức Kiệt chuyên viên của Vụ) phối hợp với Vụ Y tế dự phòng (trực tiếp là Bs. Nguyễn Văn Dũng chuyên viên của Vụ) và một số đơn vị liên quan khác như Viện Dinh dưỡng quốc gia (trực tiếp là Phó Viện trưởng Phan Thị Kim) xây dựng Dự thảo Đề án. Trong quá trình xây dựng Đề án, nhóm biên soạn cũng đã nhận được ý kiến góp ý của các Vụ, Cục liên quan trong Bộ Y tế, Ban Tổ chức cán bộ chính phủ (trực tiếp là Phó trưởng ban Tô Tử Hạ), 7 bộ và cơ quan ngang bộ liên quan.
Với sự quan tâm, ủng hộ và lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế (nhất là cố Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Văn Thưởng) và nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngô Toàn Định, đặc biệt được sự ủng hộ của nguyên Vụ trưởng Nguyễn Đình Minh Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế đã hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 04/2/1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký ban hành Quyết định số 14/1999/QĐ-TTg thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tế, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là cột mốc quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với ngành quản lý an toàn thực phẩm, vì từ đây chúng ta có một Cục riêng biệt, tập hợp được các lực lượng cùng tham gia quản lý về an toàn thực phẩm, là cơ sở để nâng tầm công tác quản lý an toàn thực phẩm cho đến ngày nay.
Lễ công bố quyết định thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toan thực phẩm
ngày 12/04/1999
Ngày 08/3/1999, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 681/QĐ-BYT bổ nhiệm PGS.TS. Phan Thị Kim, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia là Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Ngày 12/4/1999, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định số 14/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Ngày 15/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, căn cứ theo văn bản này Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đổi tên Cục thành Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và sau khi Luật An toàn thực phẩm được ban hành năm 2010, đồng thời căn cứ theo Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được đổi tên thành Cục An toàn thực phẩm như hiện nay.
Tập thể cán bộ, công chức Cục Quản lý chất lượng , vệ sinh an toàn thực phẩm những ngày đầu thành lập
Bình luận