Mới đây, trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo TPCN, lập danh sách các sản phẩm quảng cáo nhưng không công bố sản phẩm, quảng cáo quá mức, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, gửi các cơ quan liên quan xem xét, xử lý người quảng cáo, nhà phát hành quảng cáo theo quy định, đồng thời thông tin cảnh cáo về nguy cơ không an toàn của các sản phẩm thực phẩm trên các phương tiện truyền thông một cách rộng rãi, kịp thời đến người tiêu dùng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Thực trạng quảng cáo TPCN hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Về nguyên tắc đối với TPCN và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định theo quy định về mặt an toàn, công dụng của sản phẩm và các cảnh báo.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng bán hàng online một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe, mỹ phẩm, thuốc đông y, không đăng ký, không công bố với cơ quan quản lý, hay nói cách khác là lưu hành bất hợp pháp.
Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo.
Nhiều người tham gia vào quảng cáo sai quy định do không hiểu biết về các quy định của pháp luật nên vô hình chung tiếp tay cho sai phạm đó, đặc biệt là sản phẩm làm đẹp, trong đó có một số sản phẩm TPCN giảm cân.
Qua thanh tra, kiểm tra thực tế và qua báo chí phản ánh, Cục ATTP đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ, ngăn chặn nhiều sản phẩm vi phạm, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân.
Có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ sinh viên mới ra trường, chưa nhận tốt nghiệp đại học, đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Thậm chí, đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp khi cơ quan quản lý mời lên làm việc còn không thừa nhận sản phẩm của mình quảng cáo trên các trang web đó. Có doanh nghiệp công bố thực phẩm dạng bột, nhưng lại sản xuất dạng viên, hoặc ghi công dụng hoàn toàn khác với công bố…
Vậy Cục đã có những biện pháp gì để xử lý những hành vi sai phạm trên, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Thực hiện Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống hàng giả với thuốc, dược liệu, TPCP, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập 5 đoàn thanh tra kiểm tra.
Đồng thời, Cục cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương, Ban quản lý ATTP các tỉnh, thành triển khai thanh kiểm tra trên địa bàn, tập trung vào các nội dung như: Bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm, quảng cáo sản phẩm...
Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình, Bộ TT&TT, công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, cũng như xử lý các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm, để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên trang các web đó.
Các sản phẩm vi phạm cũng sẽ được đưa vào “danh sách đen” và sẽ bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn các sản phẩm khác.
Ngoài việc phạt tiền, thu hồi bản công bố, thì việc công khai cơ sở vi phạm và các hình phạt bổ sung có hiệu quả rất lớn. Còn nếu chỉ phạt tiền, các doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền phạt rồi lại vi phạm.
Khi xử lý các đơn vị vi phạm, cơ quan quản lý có gặp khó khăn gì không?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Có tình trạng nhiều sản phẩm đã bị rút giấy phép đăng ký nhưng doanh nghiệp vẫn lén lút sản xuất.
Mới đây, Cục có nhận được thông tin từ báo chí về việc có một sản phẩm đã bị rút giấy phép tên là “Nhi TW” - sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nhưng vẫn có một cơ sở ở Bắc Giang bán sản phẩm này. Ngay lập tức, chúng tôi đã thông tin đến Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Giang và đã thu giữ sản phẩm. Sau khi truy suất lại nguồn gốc cho thấy, công ty này vẫn gia công trên 3.000 hộp sản phẩm mặc dù đã bị rút giấy phép.
Đối với vi phạm của công ty này, chúng tôi đã thu hồi toàn bộ sản phẩm, xử phạt theo Luật ATTP mức tối đa là gấp 7 lần giá trị tổng sản phẩm vi phạm.
Với những doanh nghiệp không nhận sản phẩm trên trang web quảng cáo vi phạm thì ngoài đưa thông tin cảnh báo công khai tới người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm chuyển sang Bộ TT&TT, đã xử lý được một số trường hợp, tuy nhiên có một số trường hợp máy chủ đặt tại nước ngoài nên cũng rất khó.
Nhiều cơ sở, cá nhân vì lợi nhuận mà vẫn bất chấp pháp luật, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng nên cần phải xử lý rất nghiêm.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm có công điện yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban quản lý ATTP các tỉnh, thành phố chỉ đạo ở địa phương triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm TPCN giảm cân để đánh giá chất lượng và an toàn, ưu tiên giám sát chỉ tiêu Sibutramine – một hoạt chất đã bị cấm sử dụng từ năm 2011. Vậy đến nay đã có thông tin kết quả ban đầu như nào?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Thông qua chương trình giám sát chủ động, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân, chủ yếu là TPCN có chứa Sibutramine – chất gây hại cho tim mạch. Thậm chí, sau khi thanh kiểm tra, các cơ quan quản lý nhận thấy tần suất hoạt chất này có trong nhóm TPCN cao hơn so những hoạt chất khác, nên Cục đã có văn bản như trên.
Mới đây nhất, ngày 31/7, Cục An toàn thực phẩm đã thu hồi lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm bổ sung do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng ZN (địa chỉ: 89/994E Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM) sản xuất, kinh doanh do kết quả kiểm nghiệm phát hiện có chứa Sibutramin và không đạt chỉ tiêu về linh chi, tổng số bào tử nấm men nấm mốc. Đó là lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Hoa Sâm Đất, NSX: 25/1/2018, HSD: 25/1/2019.
Mặc dù đến thời điểm này, Cục chưa nhận được báo cáo từ các địa phương, tuy nhiên, hiện tại các tỉnh đều có thể tự xét nghiệm hoạt chất Sibutramine trong sản phẩm. Khi có báo cáo của các địa phương và các đoàn thành kiểm tra của Cục gửi về, chúng tôi sẽ công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân biết.
Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV công ty Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC) khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm chức năng có chất lượng như sau:
Nhìn bằng mắt thường, không thể phân biệt TPCN giả và thật. Vì vậy, khi lựa chọn mua TPCN để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng trước tiên phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không thể dựa vào nhãn hàng mà tìm hiểu được chất lượng, nếu chỉ căn cứ vào quảng cáo và các công ty phân phối thì chỉ biết được một phần rất nhỏ về sản phẩm.
Vì vậy phải truy xuất được công ty sản xuất, khi đó xem công ty có sản xuất theo tiêu chuẩn nào, có uy tín không, có bao nhiêu nhãn hàng, các sản phẩm có điều tiếng gì không, có đạt kỳ vọng gì không, có nhà máy sản xuất không… Tất cả thông tin này, người tiêu dùng có thể tìm hiểu qua website của công ty sản xuất. Đối với các công ty nhập khẩu thì khó truy xuất nguồn gốc hơn, còn công ty sản xuất thì chắc chắn phải đăng ký địa chỉ và cơ sở sản xuất, nên khó thay đổi.
Sau đó, tiếp tục tìm hiểu thông tin và tra số giấy phép của công ty trên website của các cơ quan quản lý, nếu không có thì nghi ngờ. Người tiêu dùng có thể tiếp tục tìm hiểu sản phẩm thông qua những người đã sử dụng về chất lượng, hiệu quả, và có quyết định mua sản phẩm hay không.
Khi mua sản phẩm cần thực hiện quét mã vạch trên sản phẩm, vì mã vạch rất khó làm giả.
Người tiêu dùng cũng không nên mua hàng xách tay, vì hàng xách tay không có hóa đơn, không đảm bảo chất lượng, đây có thể coi chính là hàng lậu.
Bình luận