Giao lưu trực tuyến với chủ đề "An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016

Ngày đăng: 18/01/2016 - Lượt xem: 10678

Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016" từ 14 giờ ngày 18/1.

 

 Ảnh: VGP/Công Việt

Thời gian cận Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm ngày càng tăng cao, tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm tiêu dùng như thịt, cá, rau củ quả… Nhu cầu tăng cao ắt sẽ có nguồn cung dồi dào. Một câu hỏi luôn được đặt ra và tưởng chừng dễ thực hiện nhưng lại luôn là vấn đề nóng mỗi dịp cuối năm, đó là làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn được các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt trên mâm cơm ngày Tết của các gia đình?

Chương trình giao lưu trực tuyến về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với mong muốn giúp độc giả có thêm những lựa chọn đúng khi tìm mua và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm tiêu dùng trong những ngày giáp Tết và Tết, đặc biệt là tại Hà Nội. Đồng thời Chương trình cũng sẽ giải đáp các thắc mắc và băn khoăn của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

- Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y Tế;
- Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT;
- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam;
- Ông Nguyễn Văn Chí, GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu.

Hiện nay, Tết đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rất lớn, trong khi điều kiện về an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vậy Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương có những biện pháp gì để hạn chế thấp nhất các rủi ro trong quản lý an toàn thực phẩm?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Đây là một chương trình chúng tôi cho là hết sức quan trọng. Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng tăng rất cao. Cầu tăng như vậy thì cung cấp cho thị trường dứt khoát sẽ tăng lên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ hoạt động hết công suất. Mặt khác do đặc thù sản xuất, chế biến thực phẩm ở Việt Nam nhiều khi có những doanh nghiệp chỉ sản xuất theo mùa vụ.

Ví dụ, đến mùa Trung thu người ta mới sản xuất bánh Trung thu, hết vụ đấy người ta nghỉ. Vụ Tết, một số cơ sở mới sản xuất mứt. Với đặc thù sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tiêu dùng… tăng đột biến trong một thời gian ngắn, nếu không có kế hoạch quản lý tốt an toàn thực phẩm thì rất dễ dẫn đến tình trạng các sản phẩm không bảo đảm an toàn trà trộn vào đưa ra thị trường tiêu thụ.

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc về an toàn thực phẩm, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Y tế; thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán, lễ hội mùa xuân 2016. Trong đó tập trung vào 2 hoạt động chủ yếu: Hoạt động thông tin giáo dục truyền thông pháp luật, kiến thức mua bán, sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh; tổ chức, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất lớn, với các sản phẩm: Thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả,… đó là những nhóm hàng tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết.

Ngoài ra, các đoàn thanh tra sẽ tập trung thanh tra tại các thành phố lớn, các chợ đầu mối, những địa điểm tập trung chuyển các nguồn hàng về các tỉnh, cửa khẩu.

Các đoàn đi lấy mẫu về phải tập trung kiểm tra, kiểm nghiệm ra kết quả nhanh mẫu để phát vi phạm phải xử lý, công bố, cảnh báo ngay. Đây là hoạt động chủ yếu trong chỉ đạo dịp Tết năm nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu phải công bố các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là chỉ  đạo rất quyết liệt.

Ông Nguyễn Văn Việt: Bộ NN&PTNT tiếp tục xác định năm 2016 là năm an toàn thực phẩm. Ngày 19/10/2015, Bộ đã ban hành Kế hoạch tháng cao điểm hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm kéo dài cho tới hết Tết Nguyên đán.

Trên thực tế, 3 tháng qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan triển khai một số biện pháp và đã có hiệu quả.

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền, năm nay Bộ xác định rõ trọng tâm và có mục tiêu cụ thể. Khi các đoàn đi thanh, kiểm tra, phát hiện sai phạm đã phối hợp cùng các cơ quan báo chí thông tin, điều này thấy rõ ở đợt thanh tra chất cấm trong chăn nuôi vừa rồi.

Về sản xuất, Bộ NN&PTNT cũng đã hướng dẫn người nông dân cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh để có được sản phẩm an toàn như VietGAP, GlobalGAP…

Thứ hai, Bộ NN&PNT thường xuyên tổ chức các đoàn đi lẫy mẫu giám sát. Sau khi giám sát, tổ chức xác nhận cho các cơ sở đảm bảo cung ứng sản phẩm an toàn. Chúng tôi đã chỉ đạo cả hệ thống đẩy mạnh các hoạt động thanh tra chuyên ngành. Những tháng qua, Bộ NN&PTNT đã làm rất quyết liệt không chỉ có thanh tra về chất cấm mà thanh tra hầu hết loại vật tư nông nghiệp, tập trung nhiều vào thứ gây bức xúc dư luận.

Thứ ba là tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu. Tại Hà Nội và TPHCM, Bộ NN&PTNT đã có xúc tiến hai chương trình cung ứng sản phẩm an toàn. Hai thành phố cũng đã công nhận nhiều địa điểm bán sản phẩm an toàn. Trên thực tế có tới 95% sản phẩm là an toàn, phải chỉ cho người dân thấy điều đó.

Thứ tư, Bộ NN&PTNT cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt ngăn chặn từ cửa khẩu.

Dưới góc độ đại diện cho người tiêu dùng, quan điểm của ông khi nghe những chia sẻ trên thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Càng gần dịp Tết, các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng nhiều. Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vụ việc, như hàng tấn thịt thối, chuẩn bị được tẩm ướp để đưa ra thị trường.

ATTP hiện nay không chỉ nóng trên diễn đàn báo chí mà còn nóng trên cả diễn đàn Quốc hội. Người tiêu dùng ngày càng lo lắng trước tình hình ATTP. Ví dụ rau, đây là mặt hàng không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày nhưng mua rau ở đâu thì an toàn thì người tiêu dùng không biết? Người tiêu dùng sẵn sàng trả đắt hơn để mua rau an toàn nhưng vào siêu thị mặc dù rau có gắn mác là rau an toàn nhưng thực chất vẫn chưa chắc là an toàn khi nhiều vụ rau không an toàn vẫn bị trà trộn vào siêu thị.

Người tiêu dùng vẫn hết sức lo ngại và không khỏi hoang mang về thịt tạo nạc, gà nuôi bằng vàng ô, chuối dấm bằng thuốc diệt cỏ…. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, nhiều vụ việc mất ATTP bị phanh phui nhưng ATTP vẫn là nỗi bức xúc, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hà Nội là địa phương có lượng tiêu thụ thực phẩm rất lớn so với cả nước nhưng mới chủ động được khoảng 50%-60% từ sản xuất. Vậy việc nhập lượng lớn thực phẩm từ các địa phương khác có bị hạn chế trong công tác kiểm soát VSATTP?

Ông Nguyễn Văn Chí: Cuối tháng 12/2015, Thứ trưởng Vũ Văn Tám họp với 21 tỉnh, thành phố đã nêu quan điểm rõ là người sản xuất phải chịu trách nhiệm cuối cùng đối với sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Thứ hai là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm cũng là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng.

Nhìn lại vụ vừa qua, đây là bài toán liên kết lỏng lẻo và vấn đề minh bạch thông tin của đơn vị sản xuất, đơn vị trung gian phân phối và đơn vị tiếp nhận như những bếp ăn tập thể. Tại sao không minh bạch thông tin? Một vấn đề ở đây cũng phải nói tới là vai trò quản lý của cơ quan nhà nước.

Ở góc độ của thành phố Hà Nội, chúng tôi tập trung chỉ đạo công tác quản lý chất lượng. Chi cục Quản lý chất lượng, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản cũng như các trung tâm giống... đều có các chương trình ký kết, trao đổi thông tin với nhau. Khi một địa phương nào có một sản phẩm lỗi thì Chi cục Quản lý chất lượng hoặc là các đơn vị đang thực hiện liên kết đều có thông báo ngược trở lại để từ đó có biện pháp kiểm soát sản phẩm.

Thực hiện Thông tư 45 của Bộ NN&PTNT, Hà Nội thương xuyên kiểm tra định kỳ những đơn vị sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản cũng như đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp của thành phố, đánh giá xếp loại A, B, C và có tần suất kiểm tra đối với từng loại xếp hạng, rà soát lại các đơn vị.

Thiết nghĩ, ngoài cái tâm của người kinh doanh trong sản xuất, chúng ta phải tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát và tăng hình thức xử phạt để tăng tính răn đe. Trách nhiệm với người tiêu dùng chính là trách nhiệm với chính con cháu chúng ta.

Trở lại với câu chuyện tại trường Tiểu học Phú Thượng vừa qua, các vị khách mời có suy nghĩ thế nào về trường hợp này?

Ông Nguyễn Văn Việt: Sản phẩm cung cấp cho trường học theo hợp đồng phải an toàn và phải có nguồn gốc rõ ràng, nghĩa là biết sản phẩm được sản xuất, cung ứng như thế nào.

Tuy nhiên, khi lực lượng Cảnh sát môi trường và Thanh tra nông nghiệp phát hiện thì các sản phẩm được cung ứng không có nguồn gốc. Vi phạm ở đây chính là gian lận thương mại vì ký kết một đằng nhưng thực tế lại làm một nẻo.

Điểm đáng lưu ý ở đây còn là phải xem xét kỹ xem việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và cả của nhà trường, tại sao vi phạm một thời gian dài mà không phát hiện ra.

Trong vụ việc này, phát hiện được cũng là do có sự vào cuộc điều tra khảo sát trước tương đối dài, bố trí đường đi nước bước mới phát hiện chứ không phải đơn thuần là thanh tra theo kế hoạch. Do đó, phải xem hình thức kiểm tra thế nào để đảm bảo tính hiệu quả.

Trong vấn đề kiểm soát chất cấm thời gian qua được Bộ NN&PTNT và Bộ Công an phối hợp triển khai hiệu quả một phần cũng nhờ sự vào cuộc của tất cả bộ, ngành liên quan, đặc biệt là chúng tôi tập trung thanh tra đột xuất mới phát hiện được sai phạm còn nếu không sẽ phát hiện ít.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trở lại câu chuyện của trường Tiểu học Phú Thượng, đây là một điều đáng tiếc vì xảy ra ở vùng chuyên canh rau an toàn nổi tiếng tại Hà Nội. Đây là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng.

Trước vụ việc trên, cơ quan chức năng phải thu hồi giấy chứng nhận rau an toàn, không thể núp bóng dưới giấy phép đó được.

Về phía người tiêu dùng,  người tiêu dùng có thể sử dụng quyền lựa chọn tẩy chay sản phẩm không an toàn, tẩy chay doanh nghiệp làm ăn không chân chính.

Ông có cho rằng công tác kiểm tra xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều bất cập? Có sự chồng chéo nào trong công tác phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan, ban ngành?

 

Ông Nguyễn Thanh Phong: Lượng cung cấp rau, nguyên liệu cho mấy trường học so với những công ty lớn, số lượng cũng không phải lớn nhưng dư luận xã hội rất bức xúc, đây là cái chúng ta phải quan tâm. Đây là một hành vi "treo đầu dê bán thịt chó". Anh được cấp giấy phép hoạt động thì phải tuân thủ quy định của pháp luật nhưng anh lại lợi dụng việc đó để vi phạm pháp luật. Ngay sau khi có thông tin thì trước hết chúng ta phải biểu dương những lực lượng ngăn chặn và phát hiện, cụ thể ở đây là lực lượng cảnh sát môi trường và lực lượng thanh tra.

 

Đây là sự việc gây tác động dư luận rất xấu, phải xử lý nghiêm. Với trách nhiệm công tác liên ngành, chúng tôi đã có văn bản đề nghị nếu phát hiện đúng sự việc nêu như vậy thì xử lý theo mức cao nhất của khung. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo không vì sự việc như vậy mà đánh giá toàn thể bức tranh về sản phẩm rau thịt của Hà Nội.

 

Bên cạnh những hạt sạn như vậy, còn có rất nhiều cơ sở thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất nhiên về nguyên tắc người tiêu dùng có quyền yêu cầu 100% an toàn, đấy chính là quyền của người tiêu dùng nhưng trên thực tế, không phải ở Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển cũng có những sản phẩm không đạt yêu cầu. Các nhà báo chắc cũng theo dõi việc thu hồi những thực phẩm ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada… thì thấy vấn đề an toàn thực phẩm rủi ro là khó tránh.

 

Từ khi chúng ta có Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực 1/7/2011 thì sự phân công nhiệm vụ giữa 3 Bộ: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương tương đối rõ ràng. Trong Luật không cụ thể chi tiết đến từng mặt hàng, sản phẩm cụ thể nhưng dưới Luật có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn luật.

 

Tuy nhiên, việc sản xuất chế biến thực phẩm rất đa dạng, có những doanh nghiệp sản xuất cả sản phẩm nông nghiệp, cả sản phẩm y tế, cả sản phẩm công thương. Có những doanh nghiệp sản xuất 1 sản phẩm nhưng trong sản phẩm có thành phần nguyên liệu của nhiều bộ quản lý. Mặt khác, doanh nghiệp ngoài việc hoạt động theo Luật Thanh tra, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng hàng hóa còn phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Do vậy, các cơ quan quản lý phải thống nhất nội dung thanh tra, kiểm tra, tránh tối đa việc gây phiền hà cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý. Cụ thể là, doanh nghiệp nào có các sản phẩm hỗn hợp như vậy thì giao cho 1 bộ, tránh việc chồng chéo, dẫm chân lên nhau trong thanh tra, kiểm tra, giám sát.

 

Tuy nhiên, việc thực thi giám sát chủ yếu ở các tuyến xã, phường, quận, huyện, là nơi cần lực lượng chuyên ngành nhất. Chúng ta có 10 triệu hộ nông dân cũng nuôi gà, trồng rau, thả cá, cần cơ quan quản lý thực phẩm ở đó phải là ở tuyến xã, phường, quận, huyện; chúng ta có 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ thì đối tượng cơ quan quản lý phải phải nằm ở tuyến xã, phường, quận, huyện nhưng chúng ta chưa có đội ngũ đó.

 

Vừa qua 3 bộ đã trình Chính phủ thí điểm thanh tra chuyên ngành thực phẩm ở 2 thành phố Hà Nội và TPHCM. Hy vọng trong 1 năm triển khai nếu thành công thì Chính phủ sẽ cho phép triển khai trên cả nước, trên nguyên tắc không tăng biên chế. Chúng ta yên tâm không lo lắng việc chồng chéo, các cấp cơ quan được giao nhiệm vụ phải đủ về nhân lực, tài lực để thực thi nhiệm vụ.

Xin ông cho biết về vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong cuộc chiến chống lại các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm?

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Năm vừa qua, chúng tôi nhận được trên 2.000 vụ khiếu nại, trong đó có khiếu nại về ATTP. Luật Bảo vệ người tiêu dùng giao hội chức năng hòa giải. Chúng tôi đang sử dụng công cụ này để giải quyết tranh chấp cho người tiêu dùng.

 

Vừa qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở Bến Tre đã giải quyết cho 1 đơn khiếu nại trên phương án hòa giải nhưng bị đơn không đến, thiếu hợp tác nên Hội đã tư vấn đưa vụ việc ra tòa, có sự tham gia của luật sư. Sau 2 năm theo đuổi vụ kiện, cuối cùng đơn vị sản xuất bánh mỳ làm hơn 90 người bị ngộ độc phải bồi thường, mặc dù số tiền không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ người tiêu dùng. Do đó phải theo đuổi vụ việc tới cùng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tới cùng.

 

Tại sao thời gian cận Tết, liên Bộ đã tăng cường thanh tra mà vẫn có nhiều cơ sở vi phạm? Có hiện tượng càng thanh kiểm tra thì càng phát hiện nhiều vi phạm không thưa ông?

 

Ông Nguyễn Thanh Phong: Nếu không thanh tra sẽ không phát hiện được vi phạm. Càng thanh tra thì chúng ta phát hiện được nhiều vi phạm, đó là bình thường. Chúng ta phải duy trì thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn để các vụ vi phạm bị phát hiện nhiều hơn, góp phần để thị trường thực phẩm an toàn hơn. Vấn đề là khi phát hiện phải kiên quyết xử lý.

 

Thực tế qua quá trình kiểm tra đôn đốc, một số địa phương làm rất nghiêm túc, xử lý rất mạnh mẽ nhưng có những địa phương tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng số các cơ sở bị xử phạt rất ít, như có địa phương 1 năm tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ xử lý 2 cơ sở.

Một số địa phương báo cáo do thiếu chế tài, nhưng nếu không có chế tài thì không thể phạt được một cơ sở nào chứ không phải 2 cơ sở. Do đó, chúng ta phải xử lý cương quyết, tránh trường hợp nể nang.

Nhiều người nói là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nhưng trong lĩnh vực thực phẩm mức xử phạt tương đối nghiêm khắc. Ví dụ mức xử phạt tối đa theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng, với lĩnh vực an toàn thực phẩm nếu mức xử phạt đó chưa tương xứng thì luật còn cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Nếu chúng ta dám quyết liệt làm thì không lo không đủ sức răn đe.

 

Các cơ sở vi phạm ngoài việc phạt tiền, xử lý bằng hình phạt bổ sung, còn công bố tên các cơ sở vi phạm, địa chỉ công ty, hành vi vi phạm... đây là biện pháp bổ sung rất hiệu quả.

Trong sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Qua công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này, ông có nhận định, đánh giá gì về vấn đề này?

 

Ông Nguyễn Văn Việt: Năm 2015, Bộ NN&PTNT giao cho Thanh tra Bộ có kế hoạch thanh tra chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, trọng tâm là thanh tra vật tư nông nghiệp, trong đó bao gồm cả phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh…

Chúng tôi đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống tại 63 tỉnh thành vào cuộc. Đến nay đã có 59 địa phương gửi báo cáo về Bộ. Kết quả cho thấy, 59 địa phương đã tiến hành thanh tra 49.451 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó phát hiện 10.165 cơ sở vi phạm.

 

Một số vấn đề bức xúc qua thanh tra là vi phạm trong lĩnh vực phân bón và thức ăn chăn nuôi. Có thể khẳng định việc thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp được Bộ NN&PTNT rất quan tâm và triển khai quyết liệt. Tuy tình hình vi phạm đã giảm, song chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là Luật Thanh tra ra đời quy định rõ công chức tham gia thanh tra kiểm tra nhưng vấn đề tổ chức bộ máy ở địa phương mới tham gia được 2-3 năm nay thôi. Công tác đảm bảo chế độ cho lực lượng thanh tra chưa được quan tâm nhiều, điều kiện phục vụ cho công tác thanh tra cũng còn thiếu.

 

Các địa phương hàng năm có ban hành kế hoạch thanh tra và chủ yếu thanh tra theo kế hoạch. Giữa năm 2015, chúng tôi chỉ đạo các tỉnh dành ít nhất 30-50% để thanh tra đột xuất và có hiệu quả hơn, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Có thể nói các địa phương đã có sự vào cuộc nhưng cũng chưa thực sự thường xuyên, có tỉnh quyết liệt, có tỉnh chưa.

 

Sắp tới, trong năm 2016, Bộ NN&PTNT tiếp tục xác định thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Tết là giai đoạn bùng nổ các cơ sở sản xuất thực phẩm thời vụ, nhỏ lẻ, tự phát và không khai báo, đăng ký. Làm thế nào để giám sát ATVSTP các cơ sở kiểu này thưa ông?

 

Ông Nguyễn Thanh Phong: Theo quy định của pháp luật, dù là cơ sở nhỏ lẻ hay lớn vẫn phải chứng nhận VSATTP nhất là những sản phẩm có nguy cơ cao trong nhóm mà tôi vừa nói dịp Tết này. Sản xuất phải có chứng nhận sản xuất kinh doanh và có chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh. Nếu sản phẩm đóng gói phải đảm bảo công bố tiêu chuẩn, dán nhãn, cơ sở sản xuất.

 

Không thể đưa bánh kẹo vào các siêu thị, cửa hàng mà không có tên công ty nào sản xuất, nguồn gốc. Do đó, muốn đưa vào các cơ sở bán hàng với số lượng lớn thì phải có đăng ký, giám sát quy định. Cụ thể ở đây là UBND quận, huyện và xã, phường giám sát. Tôi tin rằng, các đồng chí ở cơ sở, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nếu làm nghiêm túc vẫn đủ điều kiện để kiểm tra giám sát được.

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top