Đồng chí Trần Quang Trung Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trả lời phỏng vấn nhân sự kiện thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính

Ngày đăng: 16/07/2014 - Lượt xem: 6328

Phóng viên: Là người đang trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, xin Cục trưởng chia sẻ một vài suy nghĩ về việc thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp

TS. Trần Quang Trung: Trước hết, tôi xin gửi lời chúc mừng về sự kiện thành lập và ra mắt Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Bộ, ngành Tư pháp mà còn có ý nghĩa với Bộ Y tế và các Bộ, ngành khác.

Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính đã được hầu hết các ngành, các địa phương triển khai một cách tích cực, nhiều vụ việc vi phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời, ngăn chặn hậu quả xấu cho xã hội. Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được lãnh đạo Bộ Y tế đặc biệt chú trọng. Hàng năm, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thường xuyên triển khai nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, thông tin về an toàn thực phẩm là những chủ đề được truyền thông nhắc đến hàng ngày, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp và đông đảo người dân trong xã hội. Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế trong thời gian vừa qua cũng đã có nhiều nỗ lực đáng kể để góp phần đạt được mục tiêu bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khoẻ, tính mạng người dân; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm. Song song với việc tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, hoạt động thanh tra, tiền kiểm và hậu kiểm tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả những đợt thanh tra và kiểm tra về an toàn thực phẩm trong thời gian qua cho thấy số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm bị phát hiện chiếm tỷ lệ cao (khoảng 20%) trên tổng số cơ sở thanh tra, kiểm tra. Song trên thực tế việc xử lý các vi phạm hành chính đã được phát hiện còn chưa nghiêm, tỷ lệ các cơ sở có vi phạm bị xử phạt còn rất thấp và xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm tỷ lệ vi phạm được phát hiện bị xử phạt mới chỉ chiếm khoảng 20 %, nhất là tại tuyến xã và tuyến huyện Điều này đặt gánh nặng cho công tác xử lý vi phạm nói chung trong đó có việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, tôi tin tưởng rằng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là một thiết chế có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Với các nhóm nhiệm vụ như: xây dựng và hoàn thiện thể chế về xử lý vi phạm hành chính; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hướng dẫn áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thanh tra, kiểm tra; xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính... sẽ góp phần bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn thực phẩm nói riêng.

Tôi hy vọng, trong thời gian tới, hoạt động của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật sẽ góp phần đổi mới cách thức tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, gắn việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm với việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sự ra đời của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp cũng tạo niềm tin cho chúng tôi - những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là hiệu quả của công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ ngày càng bền vững hơn.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp, trong việc thực hiện các nhiệm vụ cùng hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn, ý thức trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng, ngăn ngừa và giảm thiểu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top