Cảnh báo nhanh về bệnh dịch LISTERIA trong dưa vàng CANTALOUPE tại MỸ

Ngày đăng: 02/10/2011 - Lượt xem: 7001

Theo công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), đến ngày 29/9/2011 đã phát hiện 72 trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn Listeria tại 18 bang của nước Mỹ trong đó có 13 người bị chết, và còn 3 trường hợp tử vong khác có liên quan đến vi khuẩn listeria.

Dịch bệnh do Listeria xuất hiện từ ngày 12/9 do ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn có trong dưa vàng Cantaloupe có nguồn gốc từ trang trại Jensen, ở Colorado (Mỹ), được phân phối ra thị trường trong khoảng thời gian từ 29/7 – 10/9. Trực khuẩn Listeria monocytogenes, được phát hiện vào năm1926 (Murey và Swann), bắt mầu gram, di động nhờ lông, không sinh bào tử. Vi khuẩn có 4 típ huyết thanh là 1, 2, 3, 4. Những típ thường gặp và gây bệnh là 1a, 2a, 1b, 2b, 4b do có độc lực với tế bào bạch cầu đơn nhân, tế bào đệm thần kinh và có yếu tố gây tan máu. Chúng có sức đề kháng cao, tồn tại lâu dài trong động vật, đất, nước, rơm cỏ khô, thực phẩm sống bảo quản đông lạnh, trên da và ở bàn tay con người. Vi khuẩn dễ bị diệt ở nhiệt độ trên 60oC (trong 30 phút) hay khi tiếp xúc với những hóa chất khử trùng ở nồng độ thông thường.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo hiện chỉ xác định được số dưa vàng Cantaloupe nhiễm khuẩn listeria được thu hồi có dán nhãn “Colorado Grown” của trang trại Jensen, ở bang Colorado. FDA vẫn đang tiếp tục điều tra để xác định nguồn gốc thực phẩm nhiễm khuẩn Listeria khác trong vụ dịch.
Bệnh do Listeria là bệnh gây nhiễm khuẩn rầm rộ với biểu hiện chủ yếu là hội chứng viêm não, màng não hay nhiễm khuẩn huyết, có thể gây viêm mủ ở da, viêm hạch lympho và cơ quan nội tạng. Thời gian ủ bệnh từ vài ngày tới hàng tháng. Khoảng 10% người nhiễm vi khuẩn nhưng không có triệu chứng bệnh. Bệnh dịch thường xuất dưới dạng ca bệnh tản phát hay vụ dịch nhỏ hoặc vừa do ăn phải thực phẩm, nước uống hoặc qua bàn tay, dụng cụ ô nhiễm Listeria. Mọi người đều có thể bị nhiễm và mắc bệnh. Tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi, có cơ địa suy giảm miễn dịch. Tỷ lệ tử vong ở trẻ (30 - 50%) và tới 63% ở những người mắc bệnh trên 60 tuổi. Người mắc bệnh hoặc mang khuẩn có thể thải Listeria theo phân và nước tiểu từ vài ngày tới hàng tháng.
 Điều trị đặc hiệu dùng kháng sinh nhóm Beta lactam, cephalosporin, ofloxacin… Hiện Listeria đã kháng với một số kháng sinh thông thường, vậy nên điều trị theo kháng sinh đồ.
Thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa tươi, sản phẩm sữa, trứng và các loại rau quả có nguy cơ ô nhiễm Listeria. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do các Listeria.
Để dự phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp như sau:
(1) Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các khâu chế biến, vận chuyển, phân phối, tiêu dùng thịt tươi, sữa tươi và sản phẩm sữa, trứng, các loại rau quả tươi sống;
(2) Bảo đảm vệ sinh ăn uống, thực hiện "ăn chín, uống chín”; sử dụng n­ước sạch và nguyên liệu thực phẩm an toàn để chế biến thức ăn;
(3) Rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng ít nhất 20 giây;
(4) Giữ vệ sinh dụng cụ chế biến, chứa đựng và tủ lạnh bảo quản thức ăn ăn ngay; để riêng thực phẩm sống và chín, thực phẩm cũ và mới; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn;
(5) Phát hiện sớm những biểu hiện bệnh và đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị sớm.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tiếp tục cập nhật thông tin dịch bệnh và biện pháp phòng chống trong thời gian tiếp theo.

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525