Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh do sử dụng ốc sên tự nhiên để làm thức ăn

Ngày đăng: 25/07/2014 - Lượt xem: 6504

Ốc sên (Achatian fulice) là loài động vật thân mềm, sống trên cạn, trong các vườn cây, ăn lá cây, phân bố rất rộng rãi khắp miền núi, trung du, đồng bằng ở Việt Nam. Đối với ốc sên tự nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của ốc sên để “chữa bệnh” hoặc dùng để “dưỡng khớp” hay “làm đẹp”. Và cũng chưa có bất kỳ hướng dẫn chính thức nào khuyến cáo sử dụng để làm thực phẩm do “độc hại” của ốc sên.

Kinh nghiệm ở vùng nông thôn, dùng để “ngâm với nước tiểu” để diệt và bón cây hoặc sơ chế sạch, nấu chín kỹ để chế biến thức ăn chăn nuôi lợn… 

Thời gian gần đây, các cơ sở điều trị của ngành y tế tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đã phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh nặng, diễn biến nguy kịch và đã có một số ca bị chết do sử dụng ốc sên làm thức ăn với lý do như làm “mồi nhậu chơi”, nghe đồn ăn để “chữa bệnh”, cho “bổ khớp” và cho “đẹp da”… Việc sử dụng ốc sên để chế biến thành thức ăn, đặc biệt  thức ăn được chế biến ở dạng sống, tái, nướng làm xuất hiện bệnh lý cấp tính  ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người ăn.

Thời gian khởi phát các triệu chứng đầu tiên của bệnh sau khi ăn thức ăn chế biến từ ốc sên tự nhiên từ vài ngày đến 5 tuần. Xuất hiện sốt nhẹ, vừa (37,80C-390C), phát ban đỏ (hồng ban), ngứa, đau đầu (đau đầu khu trú chủ yếu vùng chẩm và thái dương), đau bụng, buồn nôn, nôn ói nhiều, có thể mờ mắt, mù mắt, cứng gáy, rối loạn tim mạch, khó thở, có khi liệt thần kinh trung ương (liệt một số dây thần kinh sọ não như dây III, IV, VI, VII, yếu, liệt một hoặc 2 chi dưới), rối loạn tâm thần, rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong. Có thể gây viêm phổi nặng, ổ abces trong nhu mô phổi, xuất tiết và xuất huyết đường hô hấp. Xét nghiệm loại bạch cầu ái toan (Eosine) ở trong máu, dịch não tủy tăng cao.

Nguyên nhân do bị nhiễm kí sinh trùng (giun tròn A. cantonensis) do ăn thịt ốc sên có ấu trùng giun tròn (Angiostrongylus cantonensis) còn sống. Ấu trùng giun ở trong thức ăn từ ốc sên vào đường tiêu hóa, xuyên qua thành ruột, vào máu, di chuyển đến các mô, tổ chức khắp cơ thể, đặc biệt tập trung ở não gây ra gây ra tổn thương não, màng não, thần kinh trung ương, mạch máu đáy mắt và dẫn đến viêm não, màng não cấp tính. 

Giun tròn A. cantonensis trưởng thành có hình ống tròn, có con cái và đực. Vòng đời phát triển qua nhiều vật chủ trung gian là ốc (ốc sên, ốc bươu…), môi trường nước, cơ thể chuột. Ấu trùng giai đoạn 1 (L1) được đào thải cùng với phân ở chuột (hoặc ở người), rơi vào môi trường nước và ký sinh trong các loài ốc (ốc sên, ốc bươu…). Ở trong cơ thể ốc chúng phát triển thành ấu trùng giai đoạn 3 (L3) có khả năng gây bệnh. Chuột hoặc người ăn ốc nhiễm ấu trùng, ấu trùng vào và xuyên qua thành ruột, vào máu và đi đến các tổ chức của cơ thể (đặc biệt là hệ thần kinh trung ương, tổ chức phổi), phát triển thành giun non. Giun non xuyên qua mạch máu vào phế nang theo khí quản, hầu, thực quản và xuống đường tiêu hóa (đến khoang dưới nhện, vào hệ tĩnh mạch, vào động mạch phổi và trưởng thành). Giun trưởng thành đẻ và giải phóng ra ấu trùng giai đoạn 1 (L1) đào thải cùng với phân. Ấu trùng có thể phát hiện ở phân chuột trong vòng 40-60 ngày sau nhiễm.

Bệnh nhiễm giun tròn A.cantonensis có ổ bệnh thiên nhiên, người mắc bệnh do ăn phải ấu trùng giun có khả năng gây bệnh trong ốc sên (vật chủ trung gian). Ấu trùng trong cơ thể ốc sên và có thể thải ra cùng với chất nhờn tiết ra của ốc sên. Bệnh lưu hành phổ biến ở Viễn Ðông, một số đảo ở Thái Bình Dương, Ðông Nam Á, nhất là Ðài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, đảo Tahiti, New Caledonia, Papua New Guinea, Australia, Cuba, Puerto Rico, Hawaii. Năm 2000, tổng số hơn 3.500 trường hợp viêm não, màng não tăng bạch cầu ái toan do ký sinh trùng này được báo cáo tại trên 30 quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, một số trường hợp viêm não, màng não nghi ngờ do A. cantonensis cũng được ghi nhận và báo cáo từ năm 1960. Mỗi năm khoảng 70-100 ca được phát hiện trên phạm vi toàn quốc. Nguy cơ xuất hiện bệnh đang có chiều hướng gia tăng do thói quen ăn sống, ăn tái ốc sên, ốc bươu tự nhiên nhiễm ấu trùng giun tròn. Đến thời điểm này chưa có thuốc đặc trị, chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm màng não do giun A.cantonensis kể cả các thuốc chống giun sán.

Hiện nay khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về ốc sên, ốc bươu tự nhiên sử dụng để chế biến làm thức ăn, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:

1) Tuyệt đối không theo lời “đồn đại” hay “kinh nghiệm” để sử dụng hoặc “thử sử dụng” ốc sên, ốc bươu, ốc ma tự nhiên để chế biến thành thức ăn với bất cứ mục đích nào.

2) Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chưa chín kỹ hoặc nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh sạch sẽ đối với ốc, sò tự nhiên .

3) Vệ sinh môi trường, diệt chuột, diệt ốc sên, ốc bươu… ở khu dân cư sinh sống để cắt đứt vòng đời sinh học của giun tròn A.cantonensis, phòng tránh nguy cơ gây mắc bệnh cho người.

4) Nếu sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường sốt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nổi ban… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

VFA

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top