Cần phối hợp chặt chẽ trong phòng chống cúm A

Ngày đăng: 22/02/2014 - Lượt xem: 2131

Sáng 23/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ NNPTNT và các địa phương về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi.

(Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi)

Báo cáo của Bộ Y tế và Bộ NNPTNT cho biết diễn biến dịch cúm gia cầm trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều chủng virus cúm A khác nhau được ghi nhận như: H5N1, H7N9, H5N2, H5N8, H10N8… Trong đó diễn biến phức tạp nhất là dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc với đợt bùng phát dịch thứ hai từ đầu năm 2014 đến 20/2/2014, có 208 trường hợp mắc mới, 20 ca tử vong, số ca mắc bệnh hiện có chiều hướng tăng nhanh.

Nguy cơ cúm A/H7N9 vào Việt Nam rất lớn

Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc.

Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam chưa có trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người, nhưng nguy cơ virus cúm A/H7N9 vào Việt Nam là rất lớn trong điều kiện người dân giao lưu thương mại, du lịch rất lớn; tình hình nhập lậu gia cầm diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, ngành Y tế và Nông nghiệp đang tập trung mở rộng diện giám sát virus cúm A/H7N9 trên cả người lẫn gia cầm tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại khu vực biên giới.

Từ tháng 6/2013 đến nay, Bộ NNPTNT đã triển khai 3 chương trình giám sát chủ động tại 11 tỉnh, thành phố phía Bắc, với tần suất lấy mẫu 2 tuần/lần. Kết quả chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên hơn 20.000 mẫu đã được xét nghiệm. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã tăng tần suất lấy mẫu giám sát 2 lần/tuần.  Một trong những khó khăn hiện nay là virus cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm, chưa có vaccine phòng bệnh nên gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, giám sát virus và ứng phó.

Ngành Y tế cũng tiến hành giám sát chủ động, trọng điểm về dịch bệnh cúm A/H7N9 với 5.653 mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm, chưa phát hiện virus cúm A/H7N9. Đồng thời tăng cường giám sát tại các cửa khẩu 24/24 giờ thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa, để phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H7N9, chú ý giám sát các cá nhân đi từ vùng có trường hợp mắc.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hai phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM đã được nâng cấp, có thể xét nghiệm, phát hiện được các chủng virus cúm A/H5N1, A/H7N9; đồng thời tăng năng lực xét nghiệm, xác định virus cúm cho các Viện, BV tuyến Trung ương trong trường hợp cần mở rộng chẩn đoán xác định. Ngành Y tế đã kiện toàn, tiến hành tập huấn các đội cơ động phòng chống dịch bệnh, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương; sẵn sàng mạng lưới thu dung, phân tuyến điều trị, cách ly các trường hợp nghi ngờ; ban hành hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị cúm A/H7N9.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 vào Việt Nam được WHO ghi nhận ở mức trung bình, và virus cúm A/H7N9 có thể xuất hiện ở Việt Nam theo gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc khách nước ngoài đến từ vùng có dịch bệnh cúm A/H7N9.

“Hệ thống y tế Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực của mình thông qua việc đói phó với một số dịch bệnh trong thời gian gần đây (SARS, dịch cúm A/H5N1). Các bạn đã có sự liên hệ chặt chẽ giữa ngành Y tế và thú y; làm tốt công tác dự phòng nguy cơ; ứng phó nhanh với những hành động tập trung ngay khi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Và để ứng phó hiệu quả với dịch cúm ở người hiện nay thì trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải minh bạch, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa y tế và thú y”, ông Takeshi Kasai khuyến nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc khống chế dịch cúm trên gia cầm có ý nghĩa quyết định đối với phòng chống dịch cúm trên người. Trước hết, cần phải phòng chống hiệu quả nhập lậu gia cầm tại các tỉnh biên giới; đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh từ các nước đang lưu hành virus cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng hàng không quốc tế. Các địa phương cần phải chủ động, tích cực chỉ đạo Sở Y tế, Sở NNPTNT, các sở ngành liên quan tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, tổ chức thu dung, quản lý, điều trị, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch cúm trên người và trên gia cầm; tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus; rà soát năng lực đáp ứng cũng như khả năng dự phòng về thuốc, trang thiết bị phục vụ điều trị; tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch, không hoang mang làm ảnh hưởng để việc cung ứng và tiêu thị gia cầm, các sản phẩm gia cầm…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu mở rộng chương trình giám sát virus ra nhiều đối tượng tiếp xúc với gia cầm; tăng cường truyền thông để thay đổi hành vi; mở rộng đào tạo cán bộ y tế chẩn đoán, điều trị các trường hợp suy hô hấp nặng do virus…

Tuyên truyền phòng chống dịch cần dễ nhớ, dễ hiểu

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiến hành kịp thời, đồng bộ làm sao để chủng virus mới khi xâm nhập vào sẽ không gây nhiều tác hại như hồi cúm A/H5N1 mới xuất hiện.

“Dịch rất dễ xảy ra ở những chỗ mà người dân do bận bịu làm ăn, không có điều kiện thời gian biết thông tin nhiều, vì vậy, cần phải tuyên truyền sao cho dễ nhớ, dễ hiểu”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đến vai trò, ý thức trách nhiệm của các địa phương nếu làm tốt thì không riêng gì dịch cúm ở người, mà còn nhiều dịch khác sẽ được xử lý tốt hơn.

“Chúng ta không nên tổ chức quá nhiều đoàn kiểm tra xuống địa phương mà quan trọng là là ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương phải chủ động. Không chỉ riêng phòng chống dịch cúm A/H7N9 mà tất cả những lĩnh vực khác. Những gì đã rõ chuyên môn rồi thì chúng ta chỉ đạo rất gọn và thực hiện ngay”.

Phó Thủ tướng cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong phòng chống dịch cúm là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội.

"Trong việc phòng chống lụt bão chúng ta có 4 tại chỗ thì trong phòng chống dịch chúng ta cũng có 4 tại chỗ. Bộ Y tế, Bộ NNPTNT đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý dịch bệnh từ hồi dịch cúm A/H5N1, dịch SARS. Bây giờ chúng ta có nhiều điều kiện xử lý tốt hơn, trang thiết bị cũng tốt hơn, thì những kinh nghiệm xử lý cũng cần được đúc kết thành một bộ tiêu chí để xử lý các tình huống", Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu để các cơ quan báo chí tuyên truyền đúng, chính xác ngay từ đầu về tình hình dịch bệnh, giúp cho tâm lý người dân tốt hơn, giúp công tác phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả hơn.

Nguồn: Minh Khôi-chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top