(Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm)
Tại cuộc họp ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã báo cáo tình hình dịch cúm A (H7N9) và A (H5N1) trên toàn quốc và các biện pháp phòng chống đã triển khai.Ngay sau khi có thông tin về các trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở người tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo: Ban hành công văn gửi 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố quyết liệt, kích hoạt khởi động toàn hệ thống vào cuộc để triển khai công tác phòng chống dịch; Ban hành công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đề nghị tăng cường giám sát phát hiện cúm A (H7N9) trên gia cầm, kiểm tra nhập khẩu, giám sát, quản lý mua bán gia cầm và các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch cúm gia cầm; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp với 32 tỉnh trọng điểm để triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1) và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh;…
Đối với cúm A (H7N9) từ đầu năm 2013 đến nay cả nước không ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A (H7N9); Đối với cúm A (H5N1) từ đầu năm 2013 đến nay có 02 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1)
Bên cạnh đó Bộ Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác Hướng dẫn chuyên môn; Kiểm tra giám sát; Điều trị; Truyền thông; Hợp tác quốc tế; Công tác hậu cần đáp ứng phòng, chống khi có dịch xảy ra.
Tại đây, ông Phu cũng đã điểm qua tình hình dịch bệnh trên thế giới trong thời gian qua:
- Cúm A (H7N9)
- Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, từ ngày 29/3/2013 đến ngày 22/4//2013, Trung Quốc đã phát hiện 102 trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) trong đó có 20 trường hợp tử vong tại 6 tỉnh/thành phố. Số ca mắc Bệnh tăng lên theo thời gian từng ngày tất cả các trường hợp trên đều dương tính với cúm A (H7N9) có gen từ nguồn gốc gia cầm, nhưng chưa xác định nguồn lây nhiễm, phương thức lây truyền, hiện cũng chưa có bằng chứng xác định lây từ gia cầm sang người hoặc từ người sang người. Bên cạnh đó tổ chức Y tế Thế gới chưa có khuyến cáo hạn chế du lịch hoặc thương mại.
- Cúm A (H5N1)
- Theo Thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, từ đầu năm 2013 đến nay Thế giới ghi nhận 13 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) tại 04 quốc gia, trong đó đã có 12 trường hợp tử vong. Cụ thể: Campuchia (9 trường hợp mắc/8 trường hợp tử vong, Trung Quốc (2/2), Ai Cập (1/1), Việt Nam (2/1).
Tại cuộc họp thay mặt cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục thú y cho biết: Trong thời gian vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND các tỉnh/thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đàn gia cầm nhằm phòng, chống và phát hiện sớm các loại dịch cúm; liên quan đến dịch cúm A (H5N1) mà đàn chim yến bị nhiễm tại Ninh Thuận ông Đông cho biết: các mẫu giám sát cho thấy 100% chim yến chết đều dương tính với cúm A (H5N1), kiểm tra các mẫu xét nghiệm chim yến sống có 01 mẫu dương tính với cúm A (H5N1), lấy ngẫu nhiên 145 tổ yến xét nghiệm 100% âm tính với cúm A (H5N1); … Căn cứ các kết quả trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND tỉnh Ninh Thuận tiêu hủy đàn chim yến 10.000 con nhằm ngăn ngừa không cho dịch cúm A (H5N1) lây lan rộng hơn. Tiếp tục lấy mẫu gửi ra nước ngoài để giải trình tự gen.
(Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp)
Phát biểu tổng kết cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh:
- Trong thời gian tới cần tăng cường các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh
- Tiếp tục triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới 24/24, tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh
- Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1) trên các đàn gia cầm; xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người
- Tiếp tục chỉ đạo hệ thống khám chữa bệnh thiết lập mạng lưới, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân phát hiện sớm trường hợp đầu tiên, không bỏ sót để xác định và điều trị kịp thời, đồng thời phục vụ tốt cho công tác cách ly, xử lý dịch tại cộng đồng tránh dịch lây lan và giảm tử vong.
- Phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế khác về việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ nguồn lực giám sát thường xuyên trên người và gia cầm.
Nguồn: moh.gov.vn
Bình luận