10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU NĂM 2014 VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngày đăng: 30/12/2014 - Lượt xem: 5261

1. Tổ chức Kỷ niệm 15 năm thành lập Cục An toàn thực phẩm

Năm 2014, Cục An toàn thực phẩm tròn 15 tuổi, từ một cơ quan còn non trẻ với số lượng cán bộ chưa đến 30 người, đến nay Cục An toàn thực phẩm đã phát triển lớn mạnh với gần 120 cán bộ công chức, viên chức, hợp đồng có trình độ, đầy nhiệt huyết và vững vàng trong sự nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Việt Nam.

2. Triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính đang thực hiện tại Cục An toàn thực phẩm

 Cục An toàn thực phẩm là đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 3 thủ tục hành chính đang thực hiện tại Cục An toàn thực phẩm góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Cải cách hành chính”; tạo bước “đột phá” giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân công để thực hiện các thủ tục hành chính. Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm đã hướng dẫn và chuyển giao phần mềm dịch vụ công mức độ 4 này cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện đối với các doanh nghiệp thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh và trong thời gian tới sẽ nhân rộng tới tất cả 63 tỉnh/thành phố.

3. Hoàn chỉnh hệ thống các quy định pháp luật giúp việc thi hành Luật An toàn thực phẩm hiệu quả hơn.

Trong năm 2014, Cục An toàn thực phẩm hết sức nỗ lực soạn thảo và trình Lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành được 5 Thông tư đặc biệt quan trọng và phức tạp để hướng dẫn việc thi hành Luật An toàn thực phẩm, trong đó có Thông tư liên tịch hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm giữa 3 Bộ Y tế, Nông nghiệp &PTNT và Công thương giúp cho việc phân định trách nhiệm quản lý của 3 Bộ rõ ràng nhất từ trước đến nay; Thông tư hướng dẫn quản lý điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống góp phần hoàn thiện bộ công cụ pháp luật để kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên phạm vi toàn quốc, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, bảo đảm mỹ quan đô thị và phát triển kinh tế xã hội.

4. Tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/2014/CT-TTg ngày 11/12/2014 về tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg và 7 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ thị đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng yếu về công tác an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm và nhấn mạnh đến trách nhiệm cụ thể đối với từng Bộ, ngành, UBND các cấp và các tổ chức chính trị xã hội trong việc huy động các nguồn lực để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

5. Diễn tập “Điều tra, xử lý, khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đông người mắc” tại tỉnh Nam Định và thành phố Hồ Chí Minh

Đây là lần đầu tiên Cục An toàn thực phẩm phối hợp với địa phương tổ chức diễn tập “Điều tra, xử lý, khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đông người mắc” thực địa tại tỉnh Nam Định và thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của 63 tỉnh/thành phố và hàng chục doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người. Qua đó, nâng cao trách nhiệm, hiểu biết về nhiệm vụ và quy trình thực hiện cho các doanh nghiệp để sẵn sàng tổ chức, phối hợp cấp cứu bệnh nhân, xử lý nhanh chóng và hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

6. Đảm bảo tuyệt đối an toàn thực phẩm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện quốc gia và quốc tế quy mô lớn như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014, Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...

Đây là những sự kiện chính trị - văn hóa quốc gia, quốc tế đặc biệt quan trọng trong năm 2014 được tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của hàng chục nghìn đại biểu và các phóng viên quốc gia, quốc tế diễn ra ở nhiều tỉnh/thành phố với thời gian hàng chục ngày. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm trọn vẹn đã góp phần vào thành công của các sự kiện trên, được các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá cao góp phần nâng cao hình ảnh đất nước trong điều kiện hội nhập khu vực, quốc tế.

7. Ngăn chặn thành công 41 sự cố mất an toàn thực phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, trong đó đặc biệt có sự cố liên quan đến thực phẩm nhập khẩu từ vụ bê bối dầu ăn “bẩn” của Đài Loan

Việc tiếp nhận và xử lý thông tin về sự cố an toàn thực phẩm đã được duy trì và tiến hành rất khoa học. Kể cả những sự cố từ nước ngoài và có tính chất phức tạp như vụ dầu ăn “bẩn” của Đài Loan đã được Cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan để chủ động nắm bắt thông tin, nhanh chóng triển khai chỉ đạo thu hồi sản phẩm và giám sát trên thị trường nhằm ngăn chặn các sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng và đã được phía bạn đánh giá cao.         8. Tổ chức thành công “Hội nghị khoa học an toàn thực phẩm lần thứ VII”.

Hội nghị đã đóng góp cho ngành y tế 73 công trình khoa học thuộc 5 lĩnh vực an toàn thực phẩm có giá trị áp dụng thực tiễn giúp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm được tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các nhà quản lý làm công tác khoa học có cơ hội để trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

9. Tổ chức thành công cuộc họp nhóm chuyên gia ASEAN về thực phẩm chế biến sẵn lần thứ 18 và các cuộc họp liên quan.

Đây là cuộc họp quan trọng của các quốc gia ASEAN với mục đích tăng cường sự minh bạch trong quy định và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chế biến sẵn.

10. Tổ chức giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” nhằm tôn vinh và động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đồng thời hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.

           Đây là một Giải thưởng về an toàn thực phẩm lần đầu tiên được tổ chức dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của doanh nhân và doanh nghiệp thực phẩm nhiều nhất từ trước đến nay.

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top