Ăn uống trong mùa nắng nóng

Ngày đăng: 24/03/2014 - Lượt xem: 14752

Mùa nắng nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi đã kéo theo mất nước và muối… khiến người bải hoải mệt mỏi không muốn ăn gì, chỉ thấy khát nước. Nếu không kịp thời bù đắp nước và điện giải, kết hợp các biện pháp hạ nhiệt môi trường và thân nhiệt như quạt tay, quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ, đặc biệt là bổ sung các món ăn uống thanh đạm có công hiệu giải nhiệt cơ thể… dễ dẫn tới thương tổn đến sức khỏe.

Uống gì để giải nhiệt?

Uống để giải khát thì ai cũng biết rồi, nhưng uống để giải nhiệt thì không phải ai cũng am hiểu. Để bổ sung lượng muối và nước mất đi do ra mồ hôi, hằng ngày cần uống từ 1,5 – 2 lít nước. Nếu làm việc ngoài trời nóng hay trong hầm lò thì lượng nước cần bổ sung nhiều hơn. Những loại đồ uống dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn.

- Rau má, diếp cá: Xay lấy nước uống, có thể thêm chút đường cho dễ uống, có tác dụng giải nhiệt tốt.

- Nước chanh: có thể chanh leo càng tốt, vắt lấy nước cho vài lát vỏ thái nhỏ vào. Chanh nhiều vitamine C, vừa có công hiệu giải khát, giải nhiệt rất tốt, lại còn tác dụng làm đẹp da, sát khuẩn, trị ho…

- Chè đậu đen: Giúp giải nhiệt, giải độc ngày nắng nóng, còn có công hiệu bổ dưỡng nhất là đối với người thận hư, suy nhược do cảm nặng…

- Dưa hấu, dưa bở: gọt bỏ vỏ xay hay ép lấy nước cho chút đường uống vừa giải nhiệt, giải khát và bổ dưỡng.

- Nước mía tươi: Uống vừa giải nhiệt, giải khát lại bổ dưỡng sức khỏe nhờ mía có vị ngọt, tính hàn, giàu dinh dưỡng.

- Sữa chua: Rất tốt trong ngày nóng vì có lợi cho tiêu hóa và nhất là phụ nữ vì còn giúp làm đẹp da.

- Bột sắn dây: vừa giải nhiệt, giải khát và giải độc lại còn bổ dưỡng.

- Nước chè xanh: có chứa chất chống oxy hóa loại bỏ tế bào chết và tái tạo da, chứa vitamin C, làm mát cơ thể, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể qua da.

- Nước lá vối, nụ vối: Giải nhiệt, giải độc, giải khát.

- Nước mơ, nước sấu ngâm đường: vừa giải nhiệt, giải nắng, giải khát…

Nước ép dưa hấu là một trong những thức uống giải khát hiệu quả trong mùa nóng

Ăn cũng cần biết cách

Trong những ngày nóng nực, uống là quan trọng, nhưng ăn thế nào cho đúng cách cũng quan trọng không kém. Cụ thể:

- Thịt heo, thịt bò vẫn có thể dùng trong các bữa ăn ngày hè, nhưng cần có cách chế biến sao cho dễ ăn, dễ tiêu hơn.

Hạn chế các món ăn xào, nướng vì dễ gây cảm giác ngán và khó ăn. Lượng thịt có trong mỗi khẩu phần ăn của một người cũng nên giảm bớt.

- Cá béo như cá hồi và nhiều loại cá khác đều có hàm lượng EPA & DHA cao nên có tác dụng giảm viêm, đặc biệt là viêm da, nhất là khi nắng nóng, da dễ bị nhiễm trùng và lâu khỏi.

- Đậu hũ là món ăn mát và chế biến được thành nhiều món.

- Canh mồng tơi nấu cua được nhiều người ưa thích trong mùa nắng nóng lại bổ vì giàu canxi từ cua.

- Khổ qua có vị đắng, tính hàn, thanh hỏa, giải nhiệt, làm đồ ăn thức uống vào mùa nóng rất tốt.

- Bí xanh vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, làm rau và làm đồ giải khát rất được ưa chuộng trong mùa nóng.

- Dưa chuột vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt dễ chế biến nhiều món ăn.

- Cà rốt có chứa vitamin A & B. Vitamin A rất cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì các tế bào khỏe mạnh. Các loại vitamin B thì giúp cho cơ thể săn chắc, trẻ lâu và làm sáng da...

- Rau dền vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt, chứa nhiều chất như sắt, Canxi.

- Rau ngót rất tốt cho sức khoẻ nhất là các sản phụ sau sinh. Đây là thứ rau mát, bổ, có tác dụng giải nhiệt cao.

- Rau muống nấu với quả chua vừa ngon, rẻ lại dễ ăn. Món ăn này được sử dụng nhiều trong các gia đình Việt vào mùa nóng.

- Cam quít là họ trái cây chứa nhiều vitamin C nhất nên những loại quả này cực tốt trong việc tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Mùa nóng chúng ta rất dễ mắc phải các bệnh như cảm nắng, sốt… do thời tiết oi bức cùng sự phát triển của vi khuẩn.

Buổi tối trước khi ngủ, tránh ăn nhiều thực phẩm thịt, rau vì chúng làm khó ngủ. Uống nhiều nước sẽ làm bàng quang bị căng đầy, phải thường xuyên thức giấc đi tiểu. Tránh uống cà phê và thức uống có gas hoặc hút thuốc lá. Có thể uống trà tim sen để giúp làm mát cơ thể, dễ ngủ.

- Lưu ý không ăn các thứ cay nhiệt, dễ kích thích như thịt dê, thịt chó, hạt tiêu, ớt, gừng, hạn chế ăn các đồ chiên rán. Giảm ăn mỡ động vật hay các loại hoa quả gây nóng như vải, mít, nhãn…

Không để trẻ em chơi đùa ngoài nắng để tránh bị sốc nắng. Không cho trẻ tắm sông, hồ, ao vừa không hợp vệ sinh vừa nguy hiểm. Người lớn cũng không nên lao động ngoài trời vào giữa trưa nắng gắt, nếu phải bắt buộc làm việc thì nên đội nón rộng vành, mặc áo, quần dài tay, dài chân bằng vải coton để dễ hút mồ hôi, uống bù nước và muối khoáng.

Ăn chín, uống chín, thức ăn còn dư nên nấu sôi lại và để trong tủ lạnh không quá 1- 2 ngày, không ăn quà vặt, hàng rong.

Ngoài ra ở những nhà có điều kiện gắn máy điều hoà không khí cũng nên chú ý gắn quạt hút gió để đối lưu không khí, không nên để chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và bên ngoài quá nhiều; tốt nhất nhiệt độ trong phòng khoảng 25 độ là vừa.

Mặt khác thỉnh thoảng cũng nên làm vệ sinh máy lạnh vì giàn lạnh của máy lạnh là nơi chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc gây viêm đường hô hấp, dị ứng, hen suyễn…Không nên để quạt máy quạt trực tiếp một chỗ vào người dễ gây mất thân nhiệt mà nên cho quạt di động.

(Theo Lao Động)

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top