Vì sao chưa có trường hợp nào “mắc” tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm?

Ngày đăng: 26/11/2013 - Lượt xem: 2713

Chiều 26-11, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức Hội thảo thực trạng thi hành pháp luật an toàn thực phẩm và vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đảm bảo thi hành với sự tham gia của đại diện một số Sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Các đánh giá tại hội thảo cho thấy, trong những năm qua, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VSATTP trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng. Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm rất rộng, đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ trên tất cả các lĩnh vực như: Sản xuất, kinh doanh rau củ quả; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo…

Các ý kiến cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực an toàn thực phẩm đến nay đã tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, bất cập là hiện nay, việc quản lý VSATTP được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Mỗi cơ quan chỉ nhận trách nhiệm về phạm vi quản lý được giao mà chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, cung cấp đến tay người tiêu dùng. Do đó khi xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm thì không có cơ quan Nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm đến tận cùng của vấn đề, thường xảy ra tình trạng né tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thái Hà, Phó trưởng phòng Pháp chế, CA TP Hà Nội, việc xác định hậu quả thiệt hại xảy ra đối với tội phạm này và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra để xử lý hình sự tội phạm này là không khả thi.

“Thực tế, chỉ cần hành vi vi phạm các quy định của luật hình sự về an toàn thực phẩm là đã đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng, không cần phải đợi đến khi hậu quả xảy ra mới xử lý tội phạm. Những trường hợp nhẹ thì nạn nhân chỉ nhận biết được những hậu quả thiệt hại nhỏ như ngộ độc thực phẩm, đau bụng, suy nhược cơ thể… còn những hậu quả “nghiêm trọng” như việc sử dụng thực phẩm có chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng độc hại nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm cho tính mạng con người như ung thư, suy thận, sinh lý… thì không phải trong mọi trường hợp đều có thể phát hiện ra ngay hoặc đều có thể nhận biết được mà phải trải qua thời gian rất dài” – ông Nguyễn Thái Hà phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Hà, dấu hiệu “biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn” trong mặt chủ quan của tội phạm được quy định tại Điều 244 rất khó để xác định. Đến nay, chưa có một VBQPPL nào hướng dẫn căn cứ vào cơ sở nào để xác định người “chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn”. Từ thực trạng này, các ý kiến đại biểu tại hội thảo cho rằng, cần xem xét về nội dung này trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự tới đây để quy định này khả thi trên thực tế, góp phần hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điều 244 Bộ luật Hình sự có quy định về tội vi phạm các quy định về VSATTP nhưng đến nay Hà Nội chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự theo tội danh này.

Nguồn: Thanh Hải - phapluatxahoi.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top