Thành phố Hồ Chí Minh: thanh tra, kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm năm 2019

Ngày đăng: 28/01/2019 - Lượt xem: 1683

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm năm 2019, ngày 15/1/2019 Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý, kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên đồng thời kiểm tra tiểu thương kinh doanh mặt hàng bánh kẹo mứt tết tại chợ Bình Tây.

Chợ Kim Biên hiện có 16 hộ kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm. Tất cả hộ đều đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tham gia các lớp tập huấn kiến thức; khám sức khỏe đầy đủ; các hương liệu, phụ gia thực phẩm kinh doanh thuộc danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế, có hóa đơn chứng từ đầy đủ, được công bố theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; có sổ theo dõi nguồn nhập và xuất hàng hóa. Đối với hàng hóa có yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ lạnh đều được lưu trữ tại kho lạnh của Ban quản lý chợ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm kiểm tra ngẫu nhiên hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ

Trong năm 2018, Ban quản lý chợ đã tiến hành kiểm tra 23 lần, kết quả hầu hết các hộ đều chấp hành tốt các quy định, tuy nhiên vẫn còn một số hộ cập nhật hàng hóa nhập, xuất chưa đầy đủ và đã được nhắc nhở. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, hàng ngày, Ban quản lý chợ giao trách nhiệm cho nhân viên phụ trách ngành hàng thường xuyên tuyên truyền vận động và nhắc nhở tiểu thương chấp hành các quy định của pháp luật, kinh doanh hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đại diện Ban quản lý chợ Kim Biên cho biết đã nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ thường xuyên của Ban Quản lý An toàn thực phẩm cùng Ủy ban nhân dân quận, lãnh đạo các phòng ban của quận như phòng y tế, phòng kinh tế do đó công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ thường xuyên được quan tâm, duy trì hoạt động kết hợp với công tác thanh kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức của các thương nhân trong chợ. 

Theo Bà Phạm Khánh Phong Lan, ngày nay phụ gia thực phẩm cũng được bày bán tại các chợ truyền thống và siêu thị với giá thành không quá đắt, đa số khách hàng đến mua tại chợ là khách hàng lâu năm và mua với số lượng lớn để nấu cho các hàng quán. Kiên quyết các sản phẩm bày bán phải để nguyên trong bao gói, có niêm phong, có nhãn mác, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng trộn lẫn vào. Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng có chế độ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với chợ Kim Biên hiện nay là đối với một số người mua cố tình vi phạm như mua hóa chất công nghiệp rất khó kiểm soát. Trong thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng sẽ đẩy mạnh 2 vấn đề:

- Tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và ý thức được hành vi mua bán, sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại như phụ gia không có trong danh mục hoặc phụ gia quá hạn sử dụng cũng như hóa chất công nghiệp sẽ bị xử phạt theo Nghị định 115 đối với cá nhân, hộ kinh doanh cá thể từ 80 đến 100 triệu đồng, đối với doanh nghiệp là gấp đôi số tiền phạt. Trường hợp gây thiệt hại nặng sẽ không giới hạn tiền phạt mà tính theo giá trị của mặt hàng thậm chí xử lý hình sự. 

- Lập lại trật tự đối với thức ăn đường phố và các hàng quán. Yêu cầu kiên quyết tất cả các hàng hóa đều phải có nguồn gốc, xuất xứ.

Tại chợ Bình Tây, đoàn đã kiểm tra test nhanh ngẫu nhiên sản phẩm mứt bánh kẹo tại một số sạp kinh doanh sản phẩm mứt bánh kẹo, kết quả âm tính với phẩm màu công nghiệp. Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, tất cả các cở sở sản xuất, kinh doanh đều phải tuân thủ quy định của pháp luật. Các hộ kinh doanh phải đảm bảo 3 yếu tố: Điều kiện kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh; Ý thức của người kinh doanh được thể hiện thông qua việc tham gia các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm; Nguồn gốc của hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. 3 tiêu chí phải được tuân thủ từ nơi có nguồn vốn thấp nhất đến các nhà hàng sang trọng, nếu không đáp ứng được sẽ căn cứ vào các điều khoản của Nghị định 115 xử phạt và sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, biến quyết tâm chống thực phẩm bẩn trở nên hiệu quả, đồng thời Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng hỗ trợ quận huyện để tất cả đều làm đúng quy định của pháp luật, các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện phải hòa nhập vào công tác của quận huyện để có được sự hỗ trợ tốt nhất của nhau trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm kiểm tra ngẫu nhiên hộ kinh doanh các loại mứt,

bánh kẹo

Chiều cùng ngày, đoàn đến Cửa hàng tiện lợi Co.op Food tại Khu căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình và Siêu thị Lotte trên địa bàn quận 7 để kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng thực phẩm cùng các sản phẩm được bày bán tại đây. Đoàn đã tiến hành test nhanh hàn the đối với sản phẩm tươi sống và test nhanh formon đối với sản phẩm bún tươi. Kết quả các sản phẩm đều âm tính. Nhìn chung, công tác quản lý và đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đều được đảm bảo, các giấy tờ cần thiết đều được xuất trình đầy đủ. Được biết đến là một kênh phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi và siêu thị có thể đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trách nhiệm của nhà cung cấp, giúp chủ động trong việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm an toàn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng tập trung cùng đơn vị chứng minh, thông tin đến người dân địa điểm cung cấp thực phẩm an toàn để người dân có thể yên tâm lựa chọn thực phẩm tại siêu thị.

Đoàn kiểm tra làm việc với đại diện Siêu thị Lotte

Một số hình ảnh kiểm tra:

Đoàn kiểm tra tiến hành test nhanh sản phẩm bún tươi

 

Đoàn kiểm tra tiến hành test nhanh sản phẩm thịt tươi sống

Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top