Hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành sửa Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật ATTP. Một vấn đề đặt ra là có cần tiếp tục duy trì việc các doanh nghiệp trước khi đưa thực phẩm chế biến sẵn ra thị trường phải đăng ký bản công bố chất lượng an toàn với cơ quan quản lý (tiền kiểm) đồng thời quá trình kinh doanh các cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm (hậu kiểm) để giám sát chất lượng hay cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng (không tiền kiểm) sau đó trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các cơ quan chức năng mới định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu giám sát (hậu kiểm)?
Để rộng đường dư luận, PV Lao động đã có cuộc trao đổi với bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.
Thưa Bà, xuất phát từ đâu lại đặt vấn đề sửa Nghị định 38/2012/NĐ-CP và đề nghị bỏ việc đăng ký bản công bố chất lượng an toàn thực phẩm với cơ quan chức năng trước khi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp?
Như chúng ta đã biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có hàng loạt các biện pháp để cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nói chung trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm như các Nghị quyết số 19 của Chính phủ qua các năm từ 2014 đến nay. Đồng thời qua đợt giám sát tối cao của Quốc hội về thực thi chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016, Quốc hội đã chỉ rõ: Tình hình vi phạm ATTP ở một số nơi đã đến mức báo động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên nhưng một trong những nguyên nhân chính đó là ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm túc. Tuy nhiên bên cạnh đó, Chính phủ cũng thấy rằng một số các quy định trước đây không còn phù hợp nữa như:
- Quy định phải công bố và ghi nhãn tiếng Việt đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thực phẩm chỉ để xuất khẩu.
- Quy định đăng kí lại bản công bố khi sản phẩm chỉ thay đổi quy cách bao gói.
- Quy định đối với thực phẩm nhập khẩu để bán trong cửa hàng miễn thuế…
Do vậy, để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép bỏ những quy định trên tại Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 5/12/2016 Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 và cho phép thực hiện ngay. Đồng thời, Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ ngành để sửa các quy định này trong Nghị Định 38 theo trình tự rút gọn. Trong quá trình sửa Nghị định 38, tất cả các nội dung nêu trên đã được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, tuy nhiên Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP), Phòng thương mại công nghiệp Hoa Kỳ (Amcharm) đã kiến nghị thêm là bỏ việc đăng kí bản công bố chất lượng, an toàn thực phẩm với cơ quan chức năng trước khi thực phẩm lưu thông ra thị trường giống các nước phát triển trên thế giới như: Nhật bản, Hoa Kỳ, Singapore…
Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Chúng tôi cho rằng với điều kiện ở Việt Nam hiện nay chưa thể áp dụng mô hình này được với 2 lý do:
1.Ý thức chấp hành pháp luật chung trong đó có ý thức chấp hành pháp luật về ATTP ở nước ta còn chưa nghiêm. Ở các nước phát triển người dân đi xe bus, đi xe điện không thấy có nhân viên soát vé nhưng hầu như không có chuyện trốn vé, không có tình trạng bơm tạp chất vào tôm, dùng Tinopal để làm trắng bún, làm gì có chuyện rau 2 luống, 1 luống để ăn, 1 để bán, nuôi lợn 2 chuồng, 1 chuồng nuôi để ăn còn chuồng kia để bán…
2.Lực lượng thanh tra ATTP của họ rất hùng hậu (Nhật Bản có 12.000 thanh tra ATTP) và kinh phí dành cho việc hậu kiểm, mua mẫu xét nghiệm rất lớn. Mà cả ngành y tế của chúng ta chỉ có khoảng 400 cán bộ thanh tra ATTP trong khi thực tiến sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Với những lý do trên, chúng ta chưa thể áp dụng phương thức quản lý ATTP như họ được vì nếu không thực phẩm bẩn, chứa các chất độc hại đã tiêu thụ hết nhưng chúng ta vẫn chưa phát hiện và ngăn chặn được.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế |
Vậy thưa bà hiện các nước trong khu vực ASEAN đang áp dụng phương thức quản lý ATTP như thế nào?
Các nước trong khu vực như Thái Lan, Philipines, Indonesia… trừ Singapore và Malaysia đều đang áp dụng phương thức quản lý như chúng ta kể cả Trung Quốc cũng vậy, họ ghi rõ số giấy phép sản xuất (Manufacturing Licence Number) lên từng sản phẩm.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp như tinh thần chỉ đạo của Chính Phủ, thưa bà?
Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như tinh thần các Nghị Quyết 19, Nghị quyết 103… là hoàn toàn đúng đắn, các Bộ ngành phải nghiêm túc thực hiện và triển khai ngay để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các dịch vụ công phải nỗ lực đổi mới, minh bạch hóa các thủ tục và quy trình xét duyệt các thủ tục như: áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, kết nối 1 cửa quốc gia….
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ toàn bộ quy định của pháp luật vì bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là vấn đề ATTP. Tuy nhiên cũng không vì lí do này mà các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các quy định rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhưng hiện sẽ có xảy ra cơ chế xin – cho, phiền nhiễu tình trạng giấy phép “con” khi thực hiện thủ tục hành chính không?
Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ thế nào là 1 giấy phép "con" để khi nói đến giấy phép "con" chúng là không hiểu nhầm là 1 loại giấy phép rườm rà và do tự ý đặt ra không theo quy định của pháp luật. Khi đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trước hết bằng việc đăng ký ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, trong hệ thống ngành nghề kinh doanh được pháp luật quy định có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà bắt buộc đối với doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn kinh doanh ngành nghề đó. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chứng nhận doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện được quy định theo pháp luật để kinh doanh ngành nghề hay đó chính là bản chất của Giấy phép "con".
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện và thực phẩm được sản xuất ra phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, quy định do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Vì vậy, cần phải xem xét để thống nhất “giấy phép con” này là có cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng hay không?
Chúng ta nhìn sang lĩnh vực khác như quản lý thức ăn chăn nuôi. Theo Nghị định 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4/4/2017 về Quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, doanh nghiệp phải đăng ký lưu hành sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và phải được cấp văn bản chăn nuôi, thủy sản, doanh nghiệp phải đăng ký lưu hành sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và phải được cấp văn bản chấp thuận việc đăng ký lưu hành đó. Thậm chí loại thức ăn mới còn phải thành lập Hội đồng khoa học để khảo nghiệm, Hội đồng khoa học còn phải cho ý kiến mới được phép lưu hành. Nói tóm lại là rất chặt chẽ. Thức ăn cho gia súc thì như vậy, còn thực phẩm cho người để doanh nghiệp tự công bố thì có phù hợp không?
Vì vậy, theo chúng tôi việc công bố sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước trước khi thực phẩm lưu thông trên thị trường là rất cần phải duy trì trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cần cải cách hành chính triệt để trên cơ sở giảm bớt các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường khâu hậu kiểm khi thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Về vấn đề này, chúng tôi đã báo cáo đầy đủ, trung thực về thực tế quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam, quy định của các nước để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Xin trân trọng cảm ơn Bà.
Bình luận