Hỏi đáp
Gửi câu hỏi
13/01/2013

Quách Kim Hoàn hỏi

Những điều kiện nào để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Tại Điều 19 Luật ATTP quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

c) Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;

d) Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

đ) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

e) Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

18/12/2012

Phùng Thuý Hoa hỏi

Hiện nay Công ty chúng tôi đang muốn nhập khẩu một số loại phụ gia thực phẩm từ một số nước vào Việt Nam, tuy nhiên một số phụ gia thực phẩm mà chúng tôi dự định nhập khẩu không thuộc danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế Việt Nam và không thuộc danh mục được phép sử dụng của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) nhưng được phép sử dụng tại nước sản xuất. Vậy Công ty chúng tôi kính mong quý Cục cho biết với những loại phụ gia thực phẩm nêu trên thì Công ty chúng tôi có được công bố để nhập khẩu vào Việt Nam hay không và nếu được công bố thì các thủ tục được quy định tại văn bản nào?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Đối với việc công bố phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, hiện nay Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 về  hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy  định an toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 25/12/2012), trong đó tại khoản 2, Điều 8 quy định rõ “Đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng của Việt Nam; sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng của Việt Nam nhưng thuộc danh mục theo quy định của Codex hoặc được phép sử dụng ở nước sản xuất, Cục An toàn thực phẩm sẽ xem xét để cho phép công bố sản phẩm”. Như vậy, Cục An toàn thực phẩm được Bộ Y tế ủy quyền xem xét cụ thể đối với từng loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và quyết định loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến đó có được phép công bố để lưu thông trên thị trường Việt Nam hay không. Định kỳ, Cục An toàn thực phẩm báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế để bổ sung các chất này vào danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.

04/12/2012

Võ Hữu Hưng hỏi

Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đáp ứng các điều kiện nào về ATTP?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Theo Điều 13 Luật ATTP quy định thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật ATTP.

2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.

3. Chỉ được tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm với hàm lượng bảo đảm không gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người và thuộc Danh mục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

19/11/2012

PHẠM THỊ HỒNG THÚY hỏi

Thực phẩm đã qua chế biến phải đáp ứng các điều kiện nào về ATTP?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Theo Điều 12 Luật ATTP quy định thực phẩm đã qua chế biến phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật ATTP.

2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.

3. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

12/09/2012

Minh Hoàng hỏi

Người tiêu dùng thực phẩm không có quyền được bồi thường thiệt hại do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra có đúng không?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Không, vì tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật ATTP quy định người tiêu dùng thực phẩm có các quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.

12/09/2012

Mạnh Cường hỏi

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra không?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Có, vì tại điểm e khoản 2 Điều 8 Luật ATTP quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải thực hiện nghĩa vụ “Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra”.

12/09/2012

Tiến mạnh hỏi

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra không?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Có, vì tại điểm l khoản 2 Điều 8 Luật ATTP quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải thực hiện nghĩa vụ “Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra”.

12/09/2012

Hùng Hạnh hỏi

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có các quyền lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm không?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Có, vì tại điểm c khoản 1 Điều 8 Luật ATTP quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có quyền “Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm; lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu”.

12/07/2012

hồng bàng hỏi

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được dùng những phương tiện như thế nào để vận chuyển thực phẩm?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Khoản 1 Điều 21 Luật ATTP quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm  chỉ được dùng các phương tiện được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch và bảo đảm duy trì được điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

10/07/2012

Hùng Vương hỏi

Xin cho biết sự khác nhau của khái niệm về “Sản xuất thực phẩm”, “Sản xuất ban đầu”, “Sơ chế thực phẩm”, “Chế biến thực phẩm” và “Kinh doanh thực phẩm” được quy định như thế nào?

Cục An toàn thực phẩm trả lời

Các khái niệm trên được quy định tại Điều 2 của Luật ATTP như sau:

- Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm.

- Sản xuất ban đầuviệc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác.

- Sơ chế thực phẩm là việc xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra ngyên liệu thực phẩm hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thực phẩm.

- Chế biến thực phẩm là quá trình xử lý thực phẩm đã qua sơ chế hoặc thực phẩm tươi sống theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công để tạo thành nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm.

- Kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm.

Gửi câu hỏi

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top